HẬU DUỆ NHÀ LÝ VÀ CÂU CA "BAO GIỜ RỪNG BÁNG HẾT CÂY/TÀO KHÊ HẾT NƯỚC LÝ NAY LẠI VỀ"

Hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc.

               Triều Lý (1009 - 1225) là một triều đại lớn đầu tiên của đất nước. Để phân biệt với triều đại Tiền Lý do Lý Bí thành lập nên còn gọi là nhà Hậu Lý. Sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn lên ngôi vào tháng 10 âm lịch năm 1009 sau đó dời đô về Thăng Long.

 

Lý Thái Tổ - Vị vua đặt mốc son cho lịch sử Thăng Long.

               Trong thời đại này, lần đầu tiên nhà Lý đã giữ vững được chính quyền một cách lâu dài đến hơn 200 năm, khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm. Vào năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt, mở ra kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
               Trong nước, mặc dù các vị Hoàng đế đều sùng bái Phật giáo nhưng ảnh hưởng của Nho giáo cũng rất cao với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu (1070), Quốc tử giám (1076) và các khoa thi để chọn người hiền tài không có nguồn gốc xuất thân là quý tộc ra giúp nước.
               Trải qua 9 vị hoàng đế và chấm dứt  vào năm 1225 nhà Lý kết thúc vai trò lịch sử của mình bằng việc Trần Cảnh lên ngôi lập ra nhà Trần. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, Lý Huệ Tông bị ép đi tu, nhường ngôi vua cho con gái là công chúa Chiêu Thánh lúc này 7 tuổi, niên hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Binh quyền về tay Trần Thủ Độ. Cũng dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh lúc đó 8 tuổi là con ông Trần Thừa được đưa vào hầu cận Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng yêu mến, thường hay té nước, ném khăn trêu đùa. Trần Thủ Độ tung tin là Lý Chiêu Hoàng đã lấy chồng là Trần Cảnh. Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu, Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, trước bá quan văn võ, Chiêu Hoàng cởi hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất, dựng lên triều đại nhà Trần từ đấy.

 

Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh 


                Lúc đó, trên chính trường xảy ra rất nhiều biến cố và con cháu nhà Lý ly tán khắp nơi. Hoàng tử Lý Long Tường là con trai thứ bảy của vua Lý Anh Tông và bà hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông là một vị đô đốc hải quân có tài thao lược. Sau khi nhà Lý mất ngôi, biết không thể tránh khỏi những cuộc tàn sát, năm 1226, ông đem gia quyến và các đồ thờ cúng, áo long bào, vương miện và thương phương bảo kiếm từ đời vua Lý Thái Tổ, cùng với sáu ngàn quân, xuất phát từ cảng Vân Đồn đi tị nạn. 
              Đoàn thuyền vượt biển tránh bão, ghé vào đảo Đài Loan. Con trai ông là Lý Đăng Hiền bị ốm vì say sóng không đi tiếp được, ông để con trai cùng 200 tùy tùng ở lại đảo rồi tiếp tục đi. Đoàn thuyền đã dạt vào bờ biển phía tây nước Cao Ly (gần Pusan ngày nay), được nhà vua và nhân dân Cao Ly hết sức giúp đỡ. Truyền thuyết còn kể rằng đêm hôm trước vua Cao Ly nằm mơ thấy một con chim Phượng hoàng bay đến đậu ở bờ biển phía tây, hôm sau thì được tin Hoàng tử nước Đại Việt tên là Lý Long Tường xin tỵ nạn.
              Cũng từ đấy, Kiến Bình Vương Lý Long Tường được xem là một anh hùng Cao Ly vì ông đã giúp vua Cao Ly chống lại hai cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ. Năm 1232 quân Mông Cổ xâm lược Cao Ly, Lý Long Tường đã lãnh đạo tướng sỹ gia thuộc và nhân dân địa phương đẩy lùi quân Mông Cổ do đại hãn Oa Khoát Đài chỉ huy. Sử còn ghi rằng ông thường cưỡi ngựa trắng xông pha chiến trận nên quân dân gọi ông là Bạch mã tướng quân. Đến năm 1252 Mông Cổ lại sang xâm lược lần thứ hai. Lúc này Mông Cổ rất mạnh do họ đã chiếm được miền bắc Trung Quốc, triều đình Cao Ly không đương nổi sức mạnh của giặc phải lánh ra đảo Giang Hoa. Lý Long Tường lại lãnh đạo quân dân địa phương kiên trì chiến đấu, ông sử dụng binh pháp Đại Việt, đánh cho quân giặc nhiều trận thua đau. Quân Mông Cổ bày mưu ám sát ông, chúng giả vờ giảng hòa, tặng ông năm hòm vàng bạc châu báu lớn để làm lễ vật, nhưng chúng cho thích khách núp ở bên trong để khi mở hòm ra là ám sát. Đoán biết âm mưu của giặc, ông cho người khoét lỗ hòm rồi đổ nước sôi vào, cả năm tên thích khách bị “luộc” chín, sau đó ông cho xe trả quân giặc. Quân Mông Cổ vì thế phải xin được rút về nước và lập đàn thề không xâm lược Cao Ly. 
                 Nơi quân Mông Cổ đầu hàng được gọi là Thụ hàng môn, vua Cao Ly cho dựng bia tại đây để ghi nhớ công tích của Lý Long Tường. Vua cũng phong ông là Hoa Sơn tướng quân, dòng họ của ông vì thế gọi là họ Lý Hoa Sơn. Văn bia dựng ở Thụ Hàng Môn cũng có ghi sơ lược về con cháu của Lý Long Tường. Con cháu ông nhiều người đỗ đạt làm quan.Con ông là Lý Căn, làm Nghệ Văn Đại Đế Học, Kim Tử Quang Lộc Đại Phu; cháu của ông là Lý Huyền Lương giữ chức Lễ Bộ Tham Nghị Thượng Thư; Lý Long Tuyền làm Giám Tu Quốc Sử. Cháu đời thứ 5 là Lý Duy, đời thứ 6 là Lý Mạnh Nghệ được sắp vào hàng 72 danh sĩ ở ẩn vì giữ trung nghĩa, không ra làm quan với kẻ soán nghịch. Đặc biệt trong dòng họ có Tổng thống Lý Thừa Văn - vị Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc.
                Vì muốn dân chúng quên họ Lý đi Trần Thủ Độ đã bắt những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn. Trần Thủ Độ còn lập mưu giết hàng loạt tôn thất nhà Lý để trừ hậu họa. Từ đó nhà Lý vắng bóng trên vũ đài chính trị. Thế nhưng nhân dân Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay) lại truyền nhau câu ca rằng:

“Bao giờ rừng Báng hết cây
Tào khê hết nước, Lý nay lại về”.

              Câu ca tưởng như một lời than vô vọng, vì biết bao giờ rừng hết cây, sông hết nước. Thật không ngờ thời gian dâu bể, lại có ngày rừng Báng hết cây, biến thành ruộng lúa. Không những sông Tào Khê hết nước mà cả sông Tiêu Tương chảy qua làng Cổ pháp, nơi sản sinh ra câu chuyện tình buồn giữa anh Trương Chi và cô Mỵ Nương con quan Thừa tướng, cũng biến thành một dãy ao tù.
               Câu sấm trên do ai đặt ra và đặt ra từ bao giờ ? Điều này chỉ có thể giải thích được nếu ta ngược dòng lịch sử 1000 năm trước để theo các nhà sư Mật tông như Định Không, La Quý An, Vạn Hạnh...tiên đoán đất Cổ Pháp hưng vương và nhất là sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn, người đã xây dựng nên triều Lý. Theo truyền thuyết, các nhà sư này đã xếp đặt cuộc đất vị trí phong thủy cho đất Cổ Pháp và sư Vạn Hạnh đã nhìn ra thế đất Thăng Long vô chiến địa để làm quốc đô, chuyển từ đất Hoa Lư ra đất Long Đỗ có Ba Vì , Tam Đảo làm án che, có sông Hồng sông Tô làm huyết mạch, có Tây Hồ làm não bộ...Nếu đã có khả năng tiên đoán nhà Lý dài tám đời vua, rằng ngôi mộ của mẹ Lý Công Uẩn có mối đùn lên thành hình hoa sen tám cánh, thì các nhà sư đó cũng đủ khả năng sấm ký để tính ngày trở về của họ Lý, ngày quang phục vương đạo truyền thống Lạc Việt Hùng Vương. Dường như sư Vạn Hạnh đã tìm ra ngôi đất tái phát một ngàn năm sau cho họ Lý, điều này Sấm Trạng Trình có ghi lại :

Lý đi rồi Lý lại về
...ngẫm về sau nhà Lý xưa nên
nghìn năm lại thấy mọi nơi vẹn toàn...

              Trong chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 6-11-1958 Tổng thống Lý Thừa Vãn-vị Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc đã nói: “Tổ tiên tôi là người Việt Nam đấy”. Câu nói này hồi đó được báo chí Sài Gòn đăng tải rầm rộ trên trang nhất. Ông là cháu đời thứ 25 của Lý Long Tường.

Ảnh Lý Thừa Vãn

                Năm 1994, có một vị khách từ Hàn Quốc (Cao Ly quốc ngày xưa) đã tìm về đền Đô, giới thiệu mình là Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường, và là đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ về bái yết tổ tiên. Thế là sau 768 năm, người Kinh Bắc đã giải được câu sấm truyền.
               Năm 2000, ông Lý Xương Căn đã đưa cả gia đình gồm: cụ thân sinh (Lý Khánh Huân), vợ và 3 con về Hà Nội sinh sống. Cậu con trai út ông đặt tên là Lý Quốc Việt, cái tên rất có ý nghĩa.

Hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc.

                Năm 2003, Chủ tịch tập đoàn tài chính Golden Bridge (tức Cầu Vàng) Lý Tường Tuấn, một hậu duệ của Lý Long Tường sang Việt Nam, về đền Đô bái yết tổ tiên. Năm 2006, ông thành lập văn phòng đại diện ở Hà Nội. Năm 2008 ông được vinh danh là một trong những nhà tài trợ lớn nhất Châu Á.
               Con cháu họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc hiện có tới 4.000 người. Mới đây các nhà sử học Hàn Quốc còn phát hiện một dòng họ Lý khác, đó là dòng Lý Dương Côn, cũng là một hoàng tử nhà Lý, vượt biển đến Hàn Quốc trước Lý Long Tường 76 năm. Đời thứ 6 của dòng họ này có Lý Nghĩa Mẫn, từng làm thừa tướng Cao Ly suốt 14 năm.

              Năm 1127 vua Lý Nhân Tông qua đời, hoàng thái tử Dương Hoán lên nối ngôi năm 1128, tức là vua Lý Thần Tông. Sau này người em nuôi cũng là em họ của vua Lý Thần tông là Lý Dương Côn được phong tước Kiến hải vương lãnh chức Đại đô đốc hải quân. Năm 1138, vua Lý Thần Tông qua đời, hoàng thái tử là Thiên Tộ mới lên 3 tuổi, triều đình muốn tôn hoàng tử Lý Dương Côn (khoảng 22,23 tuổi) lên ngôi. Nhưng mẹ của thái tử Thiên Tộ là Cảm thánh Hoàng hậu (họ Lê) đã đút lót vàng bạc cho các quan, rồi bà liên kết với tình nhân là Đỗ Anh Vũ ( Anh Vũ là em của Chiêu Hiếu thái hậu mẹ vua Thần Tông) để đưa hoàng tử Thiên tộ lên ngôi tức là vua Anh Tông (1138-1175). Vua còn thơ ấu, đương nhiên quyền lực nằm trong tay Cảm thánh Hoàng thái hậu. Để củng cố quyền lực bà phải thanh toán mọi nguy cơ có thể xẩy tới cho con bà. Vì thế bà cùng Đỗ Anh Vũ thẳng tay sát hại các em nuôi của vua Thần tông và con của các em vua Nhân Tông cùng toàn thể gia quyến của các vị này. Những diễn biến ấy đã là lý do khiến Kiến hải vương Lý Dương Côn đang đóng quân ở Đồ Sơn, phải đem gia quyến vượt biển tị nạn. Nơi Kiến hải vương đặt chân đến là bờ biển Pusan là một tỉnh cực Đông Nam của nước Cao Ly vào năm 1150.

              Kỳ diệu thay, sức sống ngàn năm của dòng họ Lý, cũng là sức sống trường tồn của dòng giống tiên rồng Đại Việt. Hành trình quay về Việt Nam của các hậu duệ dòng họ Lý ngày một nhiều hơn. Âm hưởng từ câu chuyện của Hoàng thúc Lý Long Tường, từ tình cảm, lòng kính trọng đối với ông cũng như tình yêu với Việt Nam đã thôi thúc họ tìm về quê hương.