NGHI ÁN TÌNH TAY BA CỦA HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA?

Huyền Trân công chúa có công hay bị oan, hay là sự hi sinh trong việc mở đất. Tướng Trần Khắc Chung tư tình với công chúa, hay dốc hết lòng để cứu Huyền Trân.  

Huyền Trân Công Chúa

               Huyền Trân công chúa một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, được đời sau nhắc đến cùng với những yếu tố đậm chất trữ tình của một cuộc hôn nhân ngoại giao và mối quan hệ ly kỳ, trái khoáy với Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung.
               Trong giai đoạn thế kỉ XIV vào đời nhà Trần có một mối ban giao kết nghĩa thông gia giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành. Năm 1306, để tạo mối quan hệ lâu dài với Chiêm Thành cùng nhau hợp sức để chống lại Nguyên Mông trong tương lai. Vua Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, một trong những vị vua giỏi của đất nước Chăm – Pa.
              Nhưng phía sau cuộc hôn nhân này là vô vàn những điều bí ẩn lạ lùng mà cho đến nay những nhà nghiên cứu sử về vấn đề tình tay ba giữa Huyền Trân công chúa – vua Chế Mân – và Trần Khắc Chung vẫn chưa có câu trả lời sáng tỏ.
              Tương truyền rằng trước khi đi làm vợ vua Chiêm Chế Mân, Huyền Trân công chúa đã có ý tình dan díu với Trần Khắc Chung, nên khi Chế Mân chết, vua Trần sai Khắc Chung đi cứu con gái khỏi bị hỏa thiêu chết theo chồng theo phong tục của hoàng gia Chiêm Thành, thì hai người tình cũ lại được tái hợp. Cuộc cứu công chúa thành công và hai người lênh đênh trên biển một thời gian khá dài đến hàng năm, mới về tới Thăng Long.
             Những uẩn khúc tạo nên nỗi oan ức cho Huyền Trân Công chúa – Trần Khắc Chung và liệu Huyền Trân Công chúa có phải là một quân bài ăn thua với Chiêm Thành để mở rộng bờ cõi Đại Việt về hai châu Ô và Rí chăng?

    Chuyện kể về nàng công chúa.
              Huyền Trân công chúa sinh vào năm 1289, mất năm 1340. Bà là con của thượng hoàng Trần Nhân Tông, mẹ là Bảo Thánh Hoàng Hậu. Bà là em của vua Trần Anh Tông. Là một cô công chúa xinh đẹp, nết na hiền dịu.
             Sau khi vua quan nhà Trần phối hợp với Chiêm Thành ở mặt Nam dẹp yên được giặc Mông Nguyên xâm lấn bờ cõi Đại Việt và Chiêm Thành. Năm 1301, đời vua Trần Anh Tông, vua Chăm là Chế Mân (Simahavarman III) cho một sứ bộ sang giao hảo. Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đáp lễ, theo sứ bộ ấy đi thăm Chiêm Thành. Trước khi về để tỏa lòng kết giao giữa hai nước, thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả con gái của mình cho vua Chiêm.
             Mãi đến năm 1306, vua Chiêm dâng Châu Ô và Châu Rí làm sính lễ để lấy em gái Trần Anh Tông là công chúa Huyền Trân. Châu Ô và Châu Rí là dải đất Thuận Hóa Quảng Nam tương đương phần đất từ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam chạy dài lên hướng Bắc giáp với Đại Việt bao gồm thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị. Lúc bấy giờ quan quân trong hoàng tộc triều Trần đều không đồng tình với quyết định gả công chúa, chỉ có Trần Đạo Tái và danh tướng Trần Khắc Chung là đồng ý. 
             Năm 1306, lễ cưới hỏi được tổ chức ba ngày ba đêm, sau đó Huyền Trân công chúa được phong là Vương Hoàng nước Chiêm, được triều thần và vua Chiêm hết mực yêu quý.
               Mùa hạ tháng 5, vua Chiêm Thành – Chế Mân trong lần dạo chơi trong vườn cùng Vương Hoàng thì gió lớn thổi qua khiến cành cây rơi trúng đầu, ông qua đời ngay sau đó. Vị vua hùng dũng không chết dưới đoàn binh của Toa Đô nhưng chết vì một cành cây trong vườn. Chế Mân qua đời khiến cả nước Chiêm dân chúng đau thương đến tột độ vì mất đi một vị vua anh minh hùng dũng. Mùa thu, tháng 9. Sứ thần nước Chiêm lúc bấy giờ mới mang sang Đại Việt một con bạch tượng (voi trắng) dâng lên nhằm mục đích ngầm là báo tang.
               Chiêm Thành chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, theo Ấn Độ giáo, người vợ tiết hạnh (Sati) tự thiêu chết theo chồng (tục Sutti). Trần Anh Tông sợ em gái phải lên hỏa đàn, nên đã cử một đoàn sang chịu tang lễ để tìm cách giải thoát cho Huyền Trân.
              Lão tướng Khắc Chung vừa thay mặt vua Trần để phúng điếu với triều đình Chiêm Thành vừa đề nghị với triều đình Chiêm Thành cho phép công chúa Huyền Trân ra biển Đông để hướng về quê hương bái biệt vua cha, rồi sẽ trở vào để lên giàn hỏa. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới về đến Kinh sư. Cũng chính vì thế trong chuyến hành trình đưa Huyền Trân về nước cũng là lúc ông cùng Huyền Trân bị đàm luận không đẹp về việc tư thông tình cảm với nhau. 

      Tình yêu ông cháu?

                Theo sử liệu, khi công chúa Huyền Trân còn ở Thăng Long chỉ mới 13 tuổi, đã được vua cha hứa gả cho Chế Mân. Khi đó, lão tướng Trần Khắc Chung đã rất già, vốn không phải họ Trần, mà là họ Đỗ, vì có nhiều công chiến trận nên được vua cho cải ra họ Trần. Lão tướng ngoài tài trận mạc, còn có tài thêu thùa rất khéo tay, vì vậy các công chúa trong triều được lão tướng dạy cho học thêu thùa. Công chúa Huyền Trân lúc đi lấy chồng mới 15 tuổi, là cháu ngoại của danh tướng Trần Hưng Đạo, bạn lão tướng chí thân của lão tướng Trần Khắc Chung. Lúc đó, lão tướng Khắc Chung đã già, đã có 3 đời vợ, con cháu đầy đàn, không thể nào lại dan díu với cô công chúa 13 tuổi là cháu ngoại của bạn mình được. Thuở xa xưa, một cô gái nhỏ mới 13, 14 tuổi có dám yêu một ông già bạn của ông ngoại, và đã có vợ, con, cháu đầy đàn? Ngay thời đại ngày nay, điều đó cũng khó có thể xảy ra.
              Thêm một chi tiết nhỏ nữa là lúc lấy ý kiến có nên gả Huyền Trần cho ngoại tộc hay không thì tất cả quan viên nhà Trần đều phản đối riêng chỉ có Trần Đạo Tái và Trần Khắc Chung đồng ý. Nếu thực sự Trần Khắc Chung có tình cảm yêu đương sâu nặng với Huyền Trân công chúa thì sao lại không lên tiếng can ngăn.

       Giải mối oan tình lênh đênh trên biển.

                 Vua Trần sai Khắc Chung đi cứu công chúa là vì lão tướng đáng tin cậy, có nhiều mưu kế, từng trải trận mạc, mới có thể cứu được công chúa thoát khỏi lên giàn hỏa thiêu. Vừa hay trời phù hộ cho lão tướng, sương mù dày đặc bao phủ cả biển khơi, ba bên bốn bề đều không thấy rõ, nhân cơ hội đó, lão tướng đưa công chúa qua thuyền nhẹ và dông tuốt về phía Bắc. Trên thuyền chỉ có mấy thủy binh chèo thuyền, thuyền nhẹ đi rất nhanh, sương mù đã che khuất bóng họ. Khi thuyền vào đến vùng biển Quảng Trị thì bị bão lớn, sóng đánh dữ dội suýt chìm thuyền, phải tấp vào bờ. 
               Vùng đất Quảng Trị bấy giờ thuộc hai Châu Ô, Lý là đất mà Chế Mân đã dâng cho vua Trần làm sính lễ để cưới công chúa nhà Trần. Đất đã là của nước Việt, có quan trị nhậm do vua Trần cử đến cai quản. Chính quan cai quản đất mới này đã giấu nhẹm rất bí mật tung tích của lão tướng và Huyền Trân, chờ hết mùa giông bão, sửa chữa thuyền xong mới có thể tiếp tục hành trình ra Bắc. Tại sao phải giấu tung tích? Bởi thủy quân Chiêm Thành rất giỏi thủy trận, đã từng đánh ra tận Thăng Long thời Chế Bồng Nga, do đó họ có thể cho thuyền truy lùng thuyền của Khắc Chung và công chúa. Hai người được vị quan Việt Nam giấu kỹ đồng thời lo sửa chữa thuyền bè đã bị bão làm hư hỏng nặng. Hơn năm sau, hết mùa bão, trời yên biển lặng, quân Chiêm không truy đuổi nữa, thuyền cũng đã sửa chữa xong, họ mới tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc.

                Hơn nữa thuyền đưa Huyền Trân về nước có thể cũng không phải là kiểu thuyền nhẹ chở được một vài người để rồi mối tình nảy sinh trong quá trình lênh đênh sóng nước, mà thuyền ấy phải chở một đoàn người gồm: Thượng tư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung (trưởng đoàn), An phủ Đặng Văn (phó đoàn) cùng các tùy tùng, thủy thủ đoàn, thị nữ... tổng cộng cũng phải vài chục người”.
                 Sở dĩ người đời sau thêu dệt nên mối tình Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân là do họ đồng hóa với mối tình Tây Thi – Phạm Lãi bên Tàu. Sau khi báo thù vua Tàu, Tây Thi đã theo người tình cũ là Phạm Lãi chèo thuyền chu du vào Ngũ Hồ sống với nhau, lênh đênh bềnh bồng trên sóng nước, bỏ lại thế gian sau lưng. Do đó người Việt đời sau cứ thản nhiên đồng hóa mối tình Tây Thi – Phạm Lãi và Huyền Trân – Trần Khắc Chung như là một. 

      Huyền Trân có đủ tư cách pháp lý để lên dàn hỏa hay không?

                Theo truyền thống Champa, một khi vua từ trần thì bà hoàng hậu thường xin lên dàn hỏa chết chung với chồng, chứ không bị bắt buộc phải lên dàn hỏa với chồng như một số người hiểu lầm. Tục lên dàn hỏa là một vinh dự lớn lao chỉ dành riêng cho bà hoàng hậu nhằm bày tỏ lòng thủy chung của mình đối với chồng, với điều kiện là phải được hội đồng hoàng gia chấp thuận. Chính vì thế, trong suốt 18 thế kỷ của sự tiến trình lịch sử ở Champa, người ta đã ghi nhận chỉ có vài bà hoàng hậu mà thôi đã nhận được ân huệ của hội đồng hoàng gia để lên dàn hỏa chết theo chồng. 
               Huyền Trân công chúa chỉ nằm trong danh sách hàng thứ phi của Chế Mân. Giả sử Huyền Trân công chúa có van xin thật sự đi nữa để lên dàn hỏa cùng chết với Chế Mân, thì hội đồng hoàng gia Champa, tức là cơ quan tập trung các nhân vật cùng dòng tộc với bà hoàng hậu chính thức không bao giờ chấp nhận, vì tục lên dàn hỏa thiêu chỉ dành riêng cho bà hoàng hậu chính thức và phải có dòng máu Champa. 
              Vì không phải là hoàng hậu chính thức và không có dòng máu Champa, Huyền Trân không bao giờ nhận được ân huệ để cùng chết với Chế Mân được. Thế thì chúng tôi không biết vua chúa Đại Việt thời đó dựa vào cơ sở nào để rồi kết luận rằng Huyền Trân bị buộc lên dàn hỏa sau ngày từ trần của Chế Mân.

     Tại sao Huyền Trân phải bỏ cung đình chạy trốn?

                 Đứng trên phương diện pháp lý, mọi nhân vật dù là vua chúa hay dân thường tìm cách thoát thân chạy trốn trước một biến cố có liên hệ đến xác người chết, đều bị cơ quan pháp lý nghi ngờ là kẻ “phạm pháp”.
                Trước cái chết của Chế Mân, đúng ra Huyền Trân phải buồn rầu than khóc để tiễn đưa cho số phận hẩm hiu của người chồng quá cố, dù rằng hai người chỉ mới chung sống với nhau vừa tròn một năm. Đó là quy luật tự nhiên của đôi vợ chồng. Tiếc rằng Huyền Trân không than khóc mà lại tìm đường chạy trốn về Thăng Long. Không nói là Huyền Trân ám hại Chế Mân, nhưng chỉ đặt vấn đề ở đây có chăng Huyền Trân đã làm một việc phạm pháp nào đó có liên hệ đến cái chết của Chế Mân thành ra mới tìm cách chạy trốn. Chính đây mới là chìa khóa quan trọng trong vụ tình sử vô cùng bí ẩn của Chế Mân và Huyền Trân.
               Chế Mân từ trần vào tháng 5 năm Đinh Mùi. Theo phong tục của Champa, lễ hỏa táng Chế Mân phải tiến hành vào ngày tốt nhất trong vòng một tháng sau cái chết. Trần Khắc Chung đến Champa vào tháng 10 năm Đinh Mùi có nghĩa là lễ hỏa táng đã xong rồi trước khi phái đoàn từ Đại Việt đến tiếp cứu. Thì đâu còn đám tang nữa mà vua chúa Đại Việt bày mưu sai Trần Khắc Chung tìm cách đưa Huyền Trân chạy trốn. Theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, vụ thoát thân chạy trốn của Huyền Trân không phải là quyết định riêng tư của công chúa này mà là mệnh lệnh của vua chúa Đại Việt. 
              Đứng trên phương diện chính trị mà phân tích, sự bày mưu của vua chúa Đại Việt để đưa Huyền Trân về nước bằng con đường thoát thân chạy trốn sau ngày từ trần của Chế Mân hoàn toàn đi ngược lại với quy luật ngoại giao thời đó. Sự kết hôn giữa Chế Mân và Huyền Trân là một hiệp ước chính thức được ký kết giữa hai quốc gia Champa và Đại Việt. Nếu Chế Mân từ trần thì vương quốc Champa phải có nghĩa vụ làm lễ, cho người tháp tùng đưa Huyền Trân về nước. Bà Tapasi, hoàng hậu gốc người Jawa cũng trở về nước sau ngày Chế Mân từ trần. Thế thì tại sao Đại Việt quá vội vã tìm cách “dùng mưu gian trá” cướp Huyền Trân về Thăng Long. Hành động này của vua chúa Đại Việt đã đặt lại một nghi vấn ngắn gọn “Có chăng vua chúa Đại Việt không sợ Huyền Trân lên dàn hỏa thiêu vì hội đồng hoàng gia không ai yêu cầu công chúa này lên dàn hỏa, mà chỉ sợ triều đình Champa đưa Huyền Trân ra pháp lý để xét sử về tội dùng mưu trá mà Đại Việt đã xếp đặt để ám hại Chế Mân ?”
              Ai cũng biết, chính sách mỹ nhân kế dùng đàn bà Việt để phục vụ cho ý đồ chính trị của Việt Nam cũng thường xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Điển hình nhất là trong thế kỷ thứ 17, vua Lê Thánh Tông cũng gả một công chúa Việt cho vua  Lào là Suliya Vongsa, cũng như Chúa Sãi Vương đã gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và công chúa Ngọc Khoa (con của Chúa Sãi Vương) cho vua Champa là Po Romé (1627-1651).
              Ngọc Khoa có tên là Bia Ut trong tư liệu viết bằng tiếng Chăm, có nghĩa là “hoàng hậu miền bắc” (Ut có nghĩa là phía bắc). Sau ngày kết hôn với vua Po Romé, bà đã tiếp tay với vua cha ở Phú Xuân hầu cung cấp tin tức liên quan đến chiến lược quân sự của chồng mình. Nhờ tin này, Chúa Nguyễn xua quân chinh phạt Champa bắt được vua Po Romé và nhốt trong rọ sắt. Vì quá hổ thẹn, Po Romé quyết định chấm dứt cuộc đời của mình bằng cách tự tử mà một người truyền giáo tây phương Jésuite Joseph Tissanier đã kể lại. Sau ngày chết của Po Romé, hoàng cung Champa đưa Bia Ut (Ngọc Khoa) ra pháp lý và kết tội tử hình vì tội phản bội tổ quốc bằng cách đạp đầu bà ta vào bùn lầy cho đến khi tắt thở. Sau đó, cung đình Champa ra lệnh tạc tượng bà ta với tư thế đầu chúi xuống đất để hậu thế không quên vụ án này. 
                 Có thể Huyền Trân cũng mang thân phận như công chúa Ngọc Khoa, tức là bị Champa lên án vì đã nhận sứ mệnh của triều đình Đại Việt nhằm ám hại Chế Mân để rồi vua Trần Anh Tông phải tìm mưu kế đưa Huyền Trân về Thăng Long. Huyền Trân chạy trốn không phải vì sợ lên dàn hỏa với Chế Mân mà là sợ bị cung đình Champa kết án về tội liên luỵ đến cái chết của vua Chế Mân vào năm 1307. Nhưng đây chỉ là một giả thuyết mà thôi.

       Luân lý và đạo đức của công chúa nhà Trần. 

                Ai cũng biết, trong triều đại của nhà Trần luôn luôn đề cao tôn ti trật tự trong gia đình, đạo đức của người đàn bà Việt Nam. Sự dâng hiến tiết trinh của một công chúa cho quan lại trong triều là Trần Khắc Chung hoàn toàn đi ngược lại với qui ước đạo đức của người đàn bà Việt do nhà Trần chủ trương. 
                 Nếu cho rằng đây chỉ là do sự cưỡng ép của Trần Khắc Chung đi nữa vấn đề này không thể xảy ra được nếu Huyền Trân từ chối. Xưa kia, công chúa Champa là Mỵ E, vợ vua Sạ Đẩu bị bắt làm tù binh vào năm 1044. Trên đường dẫn độ về Thăng Long, tướng Phật Mã dùng quyền lực để uy hiếp dâm bà ta. Vì danh dự của một công chúa Champa, bà ta phải nhảy xuống sông tự tử để giữ trọn tiết trinh với người chồng.
               Lúc này Chế Mân vừa chết chưa đầy 6 tháng. Nhân danh công chúa của một vương quốc Đại Việt, vừa là hoàng hậu của Champa dù chỉ mới một năm, nếu Huyền Trân không thực tâm để tang cho chồng như đàn bà Chăm trong cung đình đã từng thủ tiết, bằng cách không phấn son và không gội đầu trong suốt một năm trường, thì ít ra Huyền Trân cũng phải làm thế nào để giữ danh dự và thể diện một công chúa Việt Nam.
               Bà hi sinh tất cả để đổi lại ngần ấy lợi ích, giúp cho Đại Việt khi  đó có thêm vây cánh tình giao bang thông gia có thêm sức mạnh để hợp lực chống lại kẻ xâm lăng, giúp mở mang thêm bờ cõi mà không có tiếng đau kiếm hay thiệt hại về quân lính nào xảy ra, sự hi sinh quá lớn đáng lẽ phải được kể công thật nhiều. Nhưng lịch sử lại không nói gì nhiều mà chỉ chú ý đến việc tư thông của bà và Trần Khắc Chung trên thuyền khi không có điều gì để chứng minh việc tư thông là hợp lý cả.
               Khi về đến Thăng Long, Huyền Trân lên núi Yên Tử trình diện vua cha là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, rồi quy y đi tu, lấy pháp danh là Hương Tràng ni sư. Bà vừa tu hành vừa dạy dân dệt vải và làm thuốc chữa bệnh cho dân. 

 

Hương Tràng ni sư.


               Bà qua đời năm 1340, do công lao và sự hi sinh của bà nên được nhân dân lập đền thờ phụng trang nghiêm. Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày công chúa mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.
              Các triều đại sau đều sắc phong công chúa Huyền Trân là thần hộ quốc. Nhà Nguyễn ban chiếu ghi nhận công lao của công chúa Huyền Trân "trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng", nâng bậc tăng là "Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần".