TRẦN KHÁNH DƯ - VỊ TƯỚNG ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ TRONG SỬ VIỆT

Trần Khánh Dư - Vị tướng lắm tài nhiều tật

                 Nhà Trần là một triều đại nhà nước phong kiến của nước ta được thành lập vào năm 1225 và cũng là một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh nhất trong lịch sử nước nhà. Đặc biệt, dưới triều đại nhà Trần, nhân dân ta đã ba lần đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước. Sự hưng thịnh của nhà Trần có sự đóng góp không nhỏ của nhiều cá nhân kiệt xuất, những vị tướng tài ba, trong đó tiêu biểu ba vị tướng nổi tiếng qua 3 lần đánh Mông Nguyên đó là Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư. 
                Trần Hưng Đạo được sử cũ mô tả là "thông minh hơn người". Dung mạo khôi ngô, xem rộng biết nhiều, đủ tài văn võ, chuyên tâm nghiên cứu lục thao tam lược của người xưa. Ông dành cả tâm huyết và hiểu biết để viết các tác phẩm: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Hịch tướng sĩ để dạy các tướng cầm quân đánh giặc, khích lệ lòng yêu nước của quân dân Ðại Việt. Cuộc đời của Trần Quốc Tuấn gắn liền chiến công ba lần đánh bại giặc Mông - Nguyên, đội quân hung hãn và tàn bạo nhất thế giới trong thế kỷ XIII.
                Về Trần Quang Khải - danh tướng "cướp giáo giặc". Ông là hoàng tử của Trần Thái Tông, được biết đến nhà quân sự, ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc. Ông từng nắm giữ những cương vị chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai và thứ ba.
               Trần Khánh Dư là một chính khách, nhà quân sự nước ta thời nhà Trần. Ông được biết đến là một danh tướng lắm tài nhiều tật, văn võ kiêm toàn, một nhà kinh tế học đi trước thời đại, một người tài năng nhưng hết sức cao ngạo.

Trần Khánh Dư - Danh tướng lắm tài, nhiều tật

               Trần Khánh Dư hiệu là Nhân Huệ vương, quê ở Chí Linh, Hải Dương. Ông là con của Thượng tướng Trần Phó Duyệt, cháu nội của Trần Thủ Độ. Tuy là họ Trần nhưng ông xuất thân không phải chốn hoàng gia, vương tử.
               Là người văn võ song toàn đường gươm của ông được ví như “tuyết rơi, hoa nở” có thể xông vào đám quân cả ngàn người như vào chỗ không người. Khánh Dư người cao, chân dài, miệng rộng, môi mỏng, mũi cao, hai cánh mũi mỏng ăn sâu vào trong. Thú vui của Dư là thích chơi bời, săn bắn. Các thiếu nữ mới lớn thì say mê cái vẻ lãng mạn bất cần đời của ông. Còn các phụ nữ đã có chồng thì lại mê mẩn bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được từ đôi chân dài.

Trần Khánh Dư ( ? - 1340)

Lạ lùng “Thiên Tử Nghĩa Nam”


            Trong lần chống quân Nguyên Mông vào năm 1258, Khánh Dư có công nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Sau đó, ông đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được nhận làm Thiên tử nghĩa nam.
             Về vấn đề vị hoàng đế nhà Trần nào là người nhận Trần Khánh Dư làm con nuôi, đến nay vẫn có nhiều điểm nghi hoặc. Nguyên văn trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Nhâm Ngọ, năm thứ 4 (1282). Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam". Lúc này Sử ký đang ghi kỷ về Trần Nhân Tông, nên Thượng hoàng có lẽ là Trần Thánh Tông. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, nếu xét Trần Khánh Dư vào lúc người Nguyên vào cướp đã có quân công, thì phải là thời điểm năm 1257 khi Ngột Lương Hợp Thai dẫn quân vào. Mà vào thời điểm ấy, để có đủ trưởng thành lập quân công, ông ít nhất phải bằng tuổi Trần Thánh Tông (khi ấy khoảng 18 tuổi) và người nhận ông làm con là Trần Thái Tông mới phải. Tuy nhiên, nếu trường hợp ông bằng tuổi Trần Thánh Tông, tức là sinh năm 1240, thì đối chiếu năm mất 1340, ông xấp xỉ 100 tuổi, một tuổi thọ hơi khó tin.
            Cho nên, Trần Khánh Dư là được vị Hoàng đế nhà Trần nào nhận làm nghĩa nam, đến bây giờ cũng hoàn toàn không có kết luận chuẩn xác.
           Trong khi đó, xét về đường hoạn lộ thì Trần Khánh Dư lại là “thế hệ thứ ba” phò tá nhà Trần. Trần Thủ Độ, Trần Phó Duyệt phò tá Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông. Bởi vậy, Trần Khánh Dư dĩ nhiên sẽ được cất nhắc để “tiếp nối truyền thống”, phò tá vị vua tương lai là Trần Nhân Tông.
          Trần Thủ Độ là khai quốc công thần nhà Trần, một tay đạo diễn chuyện phế lập, thoán đoạt các kiểu nhưng trong dòng tộc họ Trần, ông chỉ là dòng thứ. Trần Thủ Độ có người con là Trần Phó Duyệt. Trần Duyệt lại có hai người con là Trần Khánh Dư và Trần Văn Lộng. Nhờ công lao và dòng dõi của ông nội nên Khánh Dư được nhận là con nuôi thiên tử thì nghe hợp lý hơn. Chính vì là con nuôi thiên tử nên Dư được quyền ra vào cung cấm tự do.

Tư thông trọng án

            Trần Quỳnh Trân, con gái vua Trần Thái Tông, là một cô gái xinh đẹp, thông minh, sau này được ban hiệu là Thiên Thụy công chúa. Thời trẻ được tự do ra vào cung cấm, Trần Khánh Dư đã gặp và tán đổ bà. Tuy nhiên sau đó Hưng Đạo vương Trần Hưng Đạo đã hỏi xin cưới Thiên Thụy công chúa cho con trai là Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn. Trần Thánh Tông đã hứa gả. Thiên Thụy công chúa vì thế không thể trái lệnh nên trở thành vợ Hưng Vũ vương. Điều đáng nói ở đây mẹ của Thiên Thụy công chúa lại là em của Trần Hưng Đạo, từ đó suy ra Trần Quốc Nghiễn lấy chị họ của mình, theo quan điểm thời nay thì là loạn luân, nhưng thời phong kiến thì biểu huynh biểu muội lấy nhau là chuyện thường.
           Mặc dù đã được hứa gả cho người nhưng hỡi ơi, tình là dây oan, Khánh Dư và Thiên Thụy vẫn lén lút gặp nhau. Chuyện đến hồi ly kỳ nhất khi vào đêm trước ngày xuất giá, người nhà bên phủ Hưng Đạo Vương phát hiện ông thiên tử nghĩa nam đang ở trong buồng công chúa. Thế là người làm chạy vội về thông báo, cha con nhà Hưng Đạo Vương tức nổ đóm mắt, tuy vậy Trần Quốc Tuấn vẫn sáng suốt, vì dù gì thủ phạm vẫn là thiên tử nghĩa nam nên đành trói lại, rồi đem lên Trần Thái Tông nhờ phân xử. 
             Trong phiên tòa xử tội ông, Trần Thánh Tông sợ phật ý Hưng Đạo vương mà đã phạt tội đánh đến chết nhưng Thánh Tông lại ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống, nhờ thế mà qua 100 roi Trần Khánh Dư vẫn sống. Luật thời đó quy định ai bị trượng hình mà chịu được 100 roi thì cho sống. Lại nói Khánh Dư tội chết khả miễn, tội sống nan từ. Ông bị phế truất binh quyền và tịch thu gia sản phải trở về Chí Linh làm nghề bán than.
              Trong lăng kính nào đi chăng nữa, vẫn sẽ thấy đây là một điều đáng để chỉ trích. Chuyện ông ngoại tình thì không có gì để bào chữa nữa. Nhưng nếu đặt vào trong hoàn cảnh của thế kỷ XIII khi ấy. Cái cách mà Trần Khánh Dư đã làm với tình yêu bị đứt đoạn ấy, có đáng để trầm ngâm hay không?
             Chúng ta đều biết trong thời đại phong kiến, tự do con người chỉ đẩy về hàng thứ yếu, tình yêu chỉ là mộng ảo của cái thiếu niên, khi quyết định hôn nhân đều bị hạ thấp dưới vấn đề quốc gia và dòng tộc. Thân phận nhi nữ được mặc định là quân cờ trong ván bài chính trị của các phe phái, với các cuộc hôn nhân không có tình yêu.
             Càng đặc biệt hơn khi đây là nhà Trần, với đặc thù về các cuộc hôn nhân “cận huyết” để tránh vết xe đổ của Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh lặp lại, thì nữ nhân lại càng giống như một món đồ hơn. Trước Thiên Thụy công chúa có Lý Chiêu Hoàng, có Thuận Thiên công chúa đều là những phận đời long đong qua tay người đàn ông này đến người đàn ông kia để phục vụ cho mục đích chính trị.
             Có nghĩa, Trần Khánh Dư đã đến với Thiên Thụy công chúa trong hoàn cảnh bị cả xã hội nguyền rủa. Nhưng họ vẫn "thông dâm" với nhau, cho đến khi bị phát hiện. Trần Khánh Dư và Thiên Thụy bị lễ giáo trói buộc phải rời xa nhau. Nhưng trái tim của họ vẫn nhìn về nhau. Bất chấp bị ngăn cấm, bất chấp cả một thời đại đè lên tự do cá nhân.
Trần Khánh Dư với tính cách bạo liệt của ông, đã đến với Thiên Thụy cho bằng được. Hiểu nôm na là ta không có em trong ánh sáng, thì có em ở bóng tôi. Trần Khánh Dư đã đi ngược với thời đại, đạp lên những tôn ti thông thường, cười ngạo vào lễ nghĩa để tôn vinh lên tự do cá nhân của bản thân ông và tình yêu của ông.
              Trần Khánh Dư - Thiên Thụy là ngoại tình, là thông dâm, là bi kịch đoạn cuối cuộc đời. Nhưng họ làm tất cả vì tự do cá nhân của chính bản thân họ.

Nhân tài có đất dụng võ

              Năm 1282, quân Nguyên chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Vua quan nhà Trần kéo về Bình Than mở hội nghị bàn cách chống giặc. Lúc thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, một chiếc thuyền lớn chở than củi đi qua, trên thuyền thấp thoáng bóng người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua Trần Nhân Tông - con trai Trần Thánh Tông nhìn thấy, bảo với quan tướng: "Người kia chẳng phải là Nhân Huệ vương sao?". Rồi vua sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Thuyền nhỏ đuổi theo đến cửa Đại Than thì gặp được thuyền lớn chở than, triệu ông lái thuyền quay về gặp vua. Ông lái thuyền trả lời: "Lão là người buôn bán, có việc gì mà vua phải triệu?" rồi cứ thế cho thuyền đi tiếp. Người đi triệu trở về tâu lại, vua bảo: "Đúng là Nhân Huệ vương đấy, người thường tất không dám nói thế". Vua lại sai nội thị chèo thuyền đi gọi tiếp để ông này triệu bằng được ông lái thuyền về gặp.

 

Trần Khánh Dư hành nghề bán than.


             Khi ông lái thuyền chở than bước lên thuyền rồng, vua chạy đến ôm chầm lấy, nói: "Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi". Vua lập tức xuống chiếu tha tội cho Trần Khánh Dư. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thì đi xách nước để dội lên người cho Trần Khánh Dư tắm. Sau đó, vua ban áo ngự cho Trần Khánh Dư mặc để ngồi cùng bàn việc chống giặc với các quan tướng. Tại hội nghị Bình Than, Trần Khánh Dư đã đưa ra nhiều kế sách. Ông được Trần Nhân Tông phục chức và phong làm Phó đô tướng quân, giao cho trấn giữ Vân Đồn.
            Trần Khánh Dư tiếp tục có công lớn trong hai lần chống quân Nguyên tiếp theo, đặc biệt là đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới do Trương Văn Hổ chỉ huy tháng 12 năm 1287 ở vùng biển Vân Đồn, làm xoay chuyển tình thế chiến cuộc, dẫn đến thắng lợi cuối cùng năm 1288, đánh tan giặc Nguyên Mông. Tháng 5 năm 1312, ông theo vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đưa về nước.

Ông tổ của giới kinh doanh

            Trong thời gian bị giáng làm thường dân, Khánh Dư buôn bán than để sinh sống. Từ đây, tài năng kinh doanh của ông mới thực sự phát huy. Khánh Dư trấn giữ trấn Vân Đồn ngoài việc rèn binh, khiển tướng rất quy củ, bài bản đâu ra đó, thì ông cũng để lại một vụ “làm ăn” mà nước biển Đông cũng không sửa sạch được.
             Vốn ở gần Vân Đồn có hương Ma lôi chuyên làm nón rất tốt. Trần Khánh Dư sai lính mua vét hết, còn sai lính đặt thêm vài ngàn chiếc nữa. Rồi mới ra lệnh rằng: “Để khỏi nhầm với bọn rợ Hồ (chỉ quân Mông Nguyên) trong lúc giao chiến, nên người Vân Đồn phải đội nón Ma Lôi. Hạn trong ba ngày phải thi hành, ai không có nón sẽ bị phạt rất nặng hoặc đánh đòn roi”. Khánh Dư sai người nhà mang nón Ma Lôi đã mua từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: "Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu".
             Do đấy, người trong trang nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới 1 tiền, sau giá đắt, bán 1 chiếc nón giá 1 tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người khách phương Bắc câu: "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (Vân Đồn gà chó thảy đều kinh) là nói thác sợ phục uy danh của Khánh Dư mà thực là châm biếm ngầm ông.
            Càng giàu có Trần Khánh Dư càng ra sức bóc lột nông dân bằng cách tích tụ đất đai cho dân làm thuê, làm mướn. Mua rẻ đất của dân để mở trường đua ngựa. Khánh Dư bị dân kiện, sau đó tâu vua: "Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?" Sử chép: "Vua không hài lòng, Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách." Trần Nhân Tông chỉ tiếc ông có tài làm tướng, nên không nỡ bỏ.
            Trần Khánh Dư, một kẻ tài hoa nhưng không hoàn hảo, một danh tướng "độc nhất vô nhị" trong lịch sử Việt Nam với những phát ngôn và hành động thô bỉ, nhưng là một người coi trọng tự do cá nhân trong thời đại phong kiến, một người đạp bằng dư luận mà sống, một không quan tâm miệng lưỡi thiên hạ, một vị tướng, một quý tộc, và cả một sự cô đơn trong một mối tình oan nghiệt.
             Nhà văn Lưu Sơn Minh, khi viết tiểu thuyết “Trần Khánh Dư”, đã mở đầu bằng những câu văn:
           "Đừng đọc về ta, đừng nhắc chuyện ta, nếu trong lòng ngươi khư khư những tín điều vô vị và bất di bất dịch. Ta là kẻ đạp lên tín điều và giật đổ những bất di bất dịch. Ta là kẻ sinh lạc nhà, sống lạc thời, và yêu lạc người. Giữa những dòng chữ của hậu thế, tên ta sẽ đi cùng với những nỗi cô đơn thăm thẳm. Từ lúc sinh ra cho tới mãi sau này, khi danh tính ta chỉ còn lạc lõng trên các trang giấy, ta vẫn là kẻ độc hành. Tên ta là Dư..."