Chuyện tình bi hài và cái kết kỳ lạ của 2 vị vua duy nhất yêu nhau trong lịch sử Việt Nam!
Lý Chiêu Hoàng được coi là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Việt Nam, có tên húy là Lý Phật Kim, là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Bà sinh năm 1218, vào thời điểm vương triều nhà Lý đã bước vào thời suy tàn. Ông nội bà là Lý Cao Tông, vốn nổi tiếng là một vị vua ăn chơi sa đọa, không chăm lo cho đời sống của nhân dân. Cha bà là Lý Huệ Tông bị phát bệnh điên, mọi việc chính sự đều do Trần Tự Khánh quản.
Huệ Tông không có con trai nên Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (người nắm quyền sau khi Trần Tự Khánh chết) ép vua lập Lý Chiêu Hoàng làm Hoàng Thái nữ rồi truyền ngôi. Chiêu Hoàng lên ngôi khi mới chỉ là đứa trẻ 6 tuổi và kể từ đây những sóng gió cũng bắt đầu phủ lên vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.
Lý Chiêu Hoàng
Năm 1225, Trần Thủ Độ sắp xếp cho cháu mình là Trần Cảnh vào cùng làm Chính thủ, hầu hạ Chiêu Hoàng. Trần Cảnh chạc tuổi với Lý Chiêu Hoàng, lại được vua yêu mến, hay gần gũi và trêu đùa. Trần Thủ Độ thấy vậy bèn dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, từ đó chuyển giao quyền lực chính trị bằng cách nhường ngôi danh chính ngôn thuận cho chồng.
Cuộc đời bị kịch của nữ hoàng duy nhất Việt Nam.
Vị hoàng đế đầu tiên lập nên Hoàng triều Trần nước Đại Việt - Thái Tông Hoàng Đế tên thật là Trần Bồ sau đổi thành Trần Cảnh. Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân , có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc 719, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê.
Trần Thái Tông
Sau khi truyền ngôi cho Trần Cảnh, Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, đổi hiệu thành Chiêu Thánh. Năm 14 tuổi, Chiêu Thánh sinh con trai đặt tên là Trần Trịnh nhưng lại mất ngay sau đó. Nỗi đau đó khiến Chiêu Thánh đau ốm liên miên và suốt bốn năm tiếp theo, bà vẫn không thể sinh con nối dõi cho Trần Thái Tông. Thái sư Trần Thủ Độ đã ép vua truất ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh, lập Thuận Thiên công chúa (chị gái ruột Chiêu Thánh) đang mang thai 3 tháng và là chị dâu của Trần Thái Tông lên thay ngôi vị này. Trần Liễu tức giận đem quân ra sông Cái làm loạn. Còn vua Trần Thái Tông đang đêm bỏ trốn lên chùa Phù Vân, núi Yên Tử, Quảng Ninh để phản đối.
Trần Thủ Độ dẫn các triều thần lên núi mời vua trở về kinh sư. Vua nói: "Vì trẫm non trẻ chưa cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc". Trần Thủ Độ cố nài xin nhiều lần, vua vẫn không nghe, mới bảo mọi người rằng: "Xa giá ở đâu là triều đình ở đó". Rồi sai người xây dựng cung điện. Bấy giờ nhà vua mới chịu về kinh đô. Trần Liễu làm loạn ở sông Cái được vài tuần, lượng thấy thế cô, bèn ngầm đi thuyền đến chỗ vua xin hàng, anh em nhìn nhau mà khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm định giết Trần Liễu. Nhà vua phải lấy thân mình che đỡ cho anh. Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông nói: "Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?" Vua bèn nói giải hoà, rồi bảo Trần Thủ Độ rút quân về.
Nhà vua lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (nay là Đông Triều, Yên Hưng, Quảng Ninh) là đất thang mộc và phong cho anh là Yên Sinh Vương. Thuận Thiên công chúa được phong làm hoàng hậu, còn Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Quá đau buồn và chán nản, Chiêu Hoàng đã xin được rời khỏi cung cấm và xuất gia đi tu. Đề xuất của bà nhanh chóng được chấp nhận.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông được một vị tướng tên Lê Tần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên của giặc. Ghi nhận công lao to lớn này, vua đã phong tước cho Lê Tần là Lê Phụ Trần, đồng thời gả vợ cũ, tức Chiêu Thánh công chúa cho. Trần Thái Tông đã phải tìm gặp lại Lý Chiêu Hoàng để thuyết phục bà. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép: “Vua nói rằng: “Trẫm nếu không có khanh truyền ngôi, há lại có được ngày nay, khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc đến cùng”. Lý Chiêu Hoàng sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Đầu năm 1278, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh). Tháng 3 âm lịch năm đó, bà mất, thọ 61 tuổi.
Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng có thể nói phải hứng chịu nhiều đau đớn và cay đắng, khi từ hoàng đế xuống làm hoàng hậu rồi công chúa, sau đó lại bị chồng cũ gả cho tướng quân triều Trần. Nhưng không chỉ vậy, bà còn phải gánh trên lưng cái tiếng để cơ nghiệp hơn 200 năm nhà Lý rơi vào tay con nhà thuyền chài (nhà Trần). Kỳ thực, sự việc chuyển giao quyền lực này cũng đã được tiên đoán từ trước qua một bài thơ sấm cổ xuất hiện khi cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết vào thời trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý:
“Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông A nhập địa
Mộc dị tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình”
Bài thơ được người đời sau cắt nghĩa như sau:
Trong câu 3: chữ Hòa (禾) + chữ Đao (刀) + chữ Mộc (木) ghép lại thành chữ Lê (黎). Câu 3 tiên đoán nghĩa cây đổ, nhà Tiền Lê mất. Câu 4: chữ Thập (十) + chữ Bát (八) + chữ Tử (子) ghép lại thành chữ Lý (李). Câu 4 tiên đoán nhà Lý thay nhà Lê. Câu 5: chữ Đông (東) ghép với chữ A (阿) thành chữ Trần (陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần vào nước Việt làm vua.
Nội dung giải nghĩa đã phần nào dự báo trước cho người đời sau về việc nhà Trần sẽ là triều đại tiếp nối sau nhà Lý. Nếu đó là sự thực, thì phải chăng đã là thiên ý? Có câu rằng “trời muốn biến thì không ai cản nổi” thì một Lý Chiêu Hoàng nhỏ bé liệu có thể thay đổi vận mệnh đã được định sẵn.
Dẫu biết vậy, nhưng không thể phủ nhận chính Lý Chiêu Hoàng là người tự tay kết thúc ngôi vị Lý triều và nhà Trần khởi nghiệp nhờ mối duyên tình giữa hai vị hoàng đế kỳ lạ trong lịch sử Việt Nam.
Trần Thái Tông và nỗi oan tình “chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”.
Ở Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Hoàng trách Trần Cảnh về việc này:
“Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao !”
Dân gian đồn rằng đó là lời trách của Lý Chiêu Hoàng đối với chồng cũ của mình. Cho đến giờ, vẫn có nhiều người nghĩ rằng Trần Thái Tông phụ bạc Lý Chiêu Hoàng. Nếu xét trên các sự kiện lịch sử một cách khô khan thì Trần Thái Tông có vẻ phụ bạc Lý Chiêu Hoàng 2 lần. Nhưng nếu suy nghĩ cặn kẽ thì có thể thấy được tấm lòng nhân văn của vị vua đầu nhà Trần.
Lần phụ bạc thứ nhất với tư cách vua mới với vua cũ, tư cách người chồng đối xử với người vợ sau hơn 10 năm chung sống. Năm 1226, Lý Chiêu Hoàng là người ra chiếu truyền ngôi cho Trần Cảnh. Cho dù khi đó Lý Chiêu Hoàng chỉ là cô bé bảy tuổi và phải truyền ngôi theo áp lực từ mẹ Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ thì trên danh nghĩa Chiêu Hoàng vẫn là người giúp Trần Thái Tông lên ngôi một cách chính danh. Ngay sau khi lên ngôi, Trần Thái Tông phong Lý Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh hoàng hậu thì việc đó coi như hợp đạo. Nhưng đến 1337, Trần Thái Tông đã hạ chiếu giáng Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh công chúa để lấy chỗ chính cung cho chị ruột của Chiêu Hoàng là Thuận Thiên công chúa.
Nhiều nhà sử gia cho rằng chính Thái Tông đã cạn tình, cạn nghĩa khi không lập Chiêu Hoàng thành phi tần mà lại giáng xuống làm công chúa, đẩy ra khỏi cung. Nhưng xét Thái Tông vốn hiền lành, sợ oai của Thủ Độ, lại không còn ai để nương tựa nên không dám phản kháng dù trong lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Mọi quyết định đều do chính Thủ Độ và Thị Dung sắp đặt vì nếu vẫn để Chiêu Thánh ở cung, lỡ một mai Chiêu Thánh có con với Thái Tông – có thể là con trai – thì việc làm tội lỗi đó sẽ bị phơi trần, người đời sẽ nguyền rủa họ.
Từ góc nhìn hiện đại, người phụ nữ mất hết sản nghiệp vào tay chồng rồi bị chồng ruồng bỏ để đi lấy chính người chị của mình thì đó là nỗi đau chồng chất. Thời điểm đó, Chiêu Hoàng mới chỉ trải qua bốn năm sau khi mất đứa con đầu lòng.
Tuy nhiên, khó có thể trách Thái Tông khi mọi vở kịch đều do Trần Thủ Độ - Trần Thị Dung dàn dựng và ngay cả Trần Thái Tông, Thuận Thiên công chúa và cả chính Chiêu Hoàng cũng chỉ là những con rối. Vua Thái Tông khi ấy mới 19 tuổi đã thể hiện thái độ phẫn uất bằng việc bỏ cung để đi tu. Có thể vua không đồng ý với việc ép lấy chị dâu (kiêm chị vợ và kiêm em họ) hoặc cũng có thể vì không muốn bỏ Lý Chiêu Hoàng. Nhưng dù thế nào thì vua Thái Tông cũng không chủ định trong việc phế Chiêu Hoàng. Chính sử gia nhà Nguyễn cũng phải nhận xét: "Nhưng bấy giờ Thái Tông hãy còn thơ ấu, mà Thủ Độ là người rất ngoan cố, phàm việc gì cũng do hắn chỉ sử, Thái Tông không theo cũng không được. Thế mà sử thần trước thời Nguyễn cứ chỉ trích riêng Thái Tông, như thế chưa phải là lời phê công bằng".
Nhưng câu ca dao nêu trên chê trách Trần Thái Tông không phải chỉ chuyện phụ bạc bỏ vợ mà còn vụ phụ bạc lần 2: "bán rao vợ cũ". Sau khi quân Mông Cổ rút lui, trăm họ lại yên nghiệp làm ăn như trước. Sáng ngày mồng một tết, nhà vua ngự triều ở chính điện, định công đánh giặc để ban thưởng, phong cho Lê Phụ Trần chức Ngự sử đại phu, lại gả Chiêu Thánh công chúa cho. Việc vua đem vợ cũ gả cho bầy tôi quả thực là hiếm có trong lịch sử nhưng vua Trần Thái Tông đã làm và bị sử gia thời sau chê bai.
Thời điểm 1258, chính cung là Thuận Thiên công chúa tuy đã mất nhưng lão thần Trần Thủ Độ vẫn còn và có lẽ bản thân Trần Thái Tông khi ấy cũng ý thức được mối lo nếu Chiêu Hoàng có cơ hội trở thành thái hậu. Quan trọng hơn, cùng năm đó thì Trần Thái Tông đã có quyết định dứt khoát việc nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông để trở thành Thái Thượng Hoàng và có nhiều thời gian nghiên cứu Phật học, thì đâu còn màn chuyện tình xưa được nữa.
Sau hai tháng gả Lý Chiêu hoàng cho Lê Phụ Trần, vua Thái Tông nhường ngôi. Có thể tin rằng Trần Thái Tông trước khi rời ngôi vua đã đưa ra quyết định để vợ cũ có nơi yên ấm. Lê Phụ Trần cũng là bậc danh tướng được trọng vọng khi đó chứ không phải hạng tầm thường gì. Trần Thái Tông cảm khái Lê Phụ Trần vì theo sử chép vào cuối 1257, tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai đã chiếm lấy được nước Đại Lý, liền kéo quân xâm phạm đến địa phận sông Thao nước ta. Nhà vua làm tướng ra đốc chiến, tự đi dẫn đầu xông vào mũi tên hòn đạn, quan quân cứ dần dần rút lui. Nhà vua ngoảnh trông hai bên, chỉ thấy có Lê Phụ Trần một mình cưỡi ngựa ra vào trong trận giặc, nhan sắc bình tĩnh như thường. Bấy giờ có người khuyên nhà vua đóng quân ở đấy để chỉ huy việc đánh giặc. Lê Phụ Trần can rằng: "Nếu bây giờ bệ hạ làm như thế, thì chỉ như người dốc hết túi tiền để đánh nốt tiếng bạc mà thôi. Tôi tưởng hãy nên lánh đi, không nên khinh thường mà nghe người ta được". Nhà vua nghe lời, lui quân đóng ở sông Phú Lương, Phụ Trần đi sau cùng để vén quân. Lúc ấy quân Mông Cổ đuổi gấp, bắn tứ tung, Phụ Trần lấy cái sạp thuyền che đỡ cho nhà vua được thoát nạn.
Nếu để ban ơn thì theo thông lệ thời đó có thể ban hôn cho một công chúa hay quận chúa con một vị vương khác chẳng hạn. Việc ban hôn cho Lê Phụ Trần với Lý Chiêu Hoàng khi ấy đã gần 40 tuổi dường như để giúp Lý Chiêu Hoàng có một tấm chồng anh hùng nhiều hơn. Lê Phụ Trần có vẻ hơi "thiệt thòi" trong lần ban thưởng này.
Cuộc sống hôn nhân của Lê Phụ Trần và Lý Chiêu Hoàng sau đó cũng rất hạnh phúc. Chính vì vậy, sau khi kết hôn, Lý Chiêu Hoàng sinh cho Lê Phụ Trần 2 người con là Thượng vị hầu Lê Tông và Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê. Lý Chiêu Hoàng sống với Lê Phụ Trần đến 20 năm nữa thì qua đời vào năm 1278.
Sau hơn 10 năm chung sống với Trần Thái Tông rồi phải sống trong cô quạnh suốt 20 năm thì Lý Chiêu Hoàng cuối đời đã có được mái ấm gia đình thật sự. Có thể thấy vua Trần Thái Tông đã bất chấp thế gian dị nghị chê trách để giúp cho Lý Chiêu Hoàng được 20 năm được hưởng cuộc sống đáng mơ ước thay vì tiếp tục cô quạnh một mình trong phần cuối cuộc đời. Do vậy, nếu trách Trần Thái Tông bằng câu ca dao: "Trách người quân tử bạc tình/Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao" thì thật nhầm to.
Dù chỉ là sự việc nhỏ nhặt nhưng chúng ta có thể nhìn vào đó để thấy tấm lòng cao cả của vua Trần Thái Tông. Hành động đó vượt qua khuôn phép cứng nhắc kiểu phong kiến mà rất thoáng, rất hiện đại và trên hết là rất nhân văn.
Tại sao Trần Liễu lại hận Thái Tông đến chết?
Theo như những sử liệu phía trên có nói về Trần Liễu vì uất ức bị mất vợ, ông thừa dịp khi Trần Thủ Độ đưa quân đi tìm vua Thái Tông mà không lo chuyện phòng bị, liền đưa quân đánh chiếm kinh thành. Nhưng Trần Liễu không liệu trước được rằng Trần Thủ Độ là người mưu kế và đã sắp đặt mọi chuyện ở nhà cho các tướng khác. Khi Trần Liễu cùng với quân lính đang trên đường đến đánh kinh thành thì bị quân triều đình bao vây. Vì không đủ sức chống lại quân triều đình và để thoát khỏi cái chết, Trần Liễu nghĩ tới vua Trần Thái Tông, người em hết mực yêu thương mình, vì chỉ có Trần Thái Tông mới có thể cứu ông trong lúc này. Vua Thái Tông vì thương anh nên xin với Trần Thủ Độ tha tội cho Trần Liễu, nhưng quân lính đều bị giết.
Nhờ có thêm sự hoà giải của bà Trần Thị Dung mà ông và vua Trần Thái Tông đã tha thứ cho nhau và tình cảm anh em trở lại như xưa, như chính sử đã ghi. Thế nhưng tại sao trước khi chết Trần Liễu trăn trối với con mình :“Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.” Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Phải chăng có điều gì ẩn khúc bên trong?
Thiết nghĩ, để tình cảm anh em có được như xưa, phải chăng Trần Thái Tông đã hứa với anh mình rằng, cho dù Trần Thủ Độ có bắt vợ của anh làm vợ mình thì ông vẫn giữ khoảng cách giữa chị dâu và em chồng? Có lẽ Trần Thái Tông đã hứa với Trần Liễu là sẽ không phạm tới thân thể của chị dâu nên Trần Liễu mới hứa sẽ tha thứ và bỏ qua cho vua Trần Thái Tông chăng?
Thế nhưng sau khi hoàng hậu Thuận Thiên sinh Trần Quốc Khang, đứa con mà bà mang thai trước với Trần Liễu, thì bà tiếp tục sinh thêm những người con khác với vua Trần Thái Tông như Trần Hoảng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, và Trần Ích Tắc.
Có thể đây là nguyên nhân chính làm cho Trần Liễu vẫn còn hận em mình cho đến chết vì ông cho rằng cái lỗi này không còn là lỗi của Trần Thủ Độ nữa mà là do đứa em trai mình, tức vua Trần Thái Tông đã không giữ được tình chị dâu với em chồng như đã hứa với Trần Liễu.
Sau những ngày sóng gió ấy, Thái Tông đành phải làm tròn bổn phận duy trì huyết thống nhà Trần với Thuận Thiên hoàng hậu trong cay đắng hổ thẹn. Nhà vua tìm đến thiền học như một sự giải thoát cho tâm linh, không màng đến quyền thế.