Lý Chiêu Hoàng tên là Lý Phật Kim, sau đổi là Lý Thiên Hinh. Bà còn được gọi là Lý Phế hậu hay Chiêu Thánh Hoàng hậu. Là vị nữ hoàng đế đầu tiên và cũng là cuối cùng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuộc đời của Chiêu Hoàng là một chuỗi những bi kịch lịch sử đau đớn.
Bà sinh năm 1218, là con gái của Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Thời điểm bà ra đời cùng là lúc nhà Lý đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao Tông được biết đến như là một vị vua “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy sụp”.
Vua Huệ Tông lúc bấy giờ mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông một người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán khiến chính sự ngày một đổ nát. Năm 1917, Huệ Tông bị phát bệnh điên, tự xưng là Thiên tướng đùa nghịch suốt ngày, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần dần về tay kẻ khác. Sau khi Tự Khánh chết Trần Thủ Độ lên nắm quyền lực ép Huệ Tông phải sách lập Chiêu Hoàng làm thái tử và xuống chiếu nhường ngôi, như vậy Chiêu Hoàng lên ngôi năm mới vừa tròn 6 tuổi. Cũng từ đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời của vị nữ hoàng nhỏ tuổi này.
Lúc bấy giờ quyền lực thực tế đã hoàn toàn nằm trong tay của dòng họ Trần. Chiêu Hoàng chỉ còn là một quân bài trong ván bài chính trị của Trần Thủ Độ mà thôi. Sở dĩ, Trần Thủ Độ chưa lật đổ nhà Lý chỉ vì còn lo sợ các thế lực đang cát cứ tại các địa phương, như Đoàn Thượng ở Hải Dương, Nguyễn Nộn ở Kinh Bắc, đem quân về đánh.
Bi kịch lần một - Cuộc hôn nhân đổi ngôi báu.
Năm 1225 Trần Thủ Độ dàn xếp cho cháu của mình là Trần Cảnh vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng. Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?". Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Rồi nhanh chóng tiến hành tổ chức hôn lễ. Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng.
Cuộc hôn nhân đầy toan tính.
Vì một trò chơi trẻ con mà Nữ Hoàng đế có chồng năm 7 tuổi. Cũng chính vì điều này Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Tháng 11 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng, bà trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An. Triều đại nhà Lý tồn tại hơn 200 năm đã mất, thay vào đó là triều Trần bắt đầu trị vì giang sơn tồn tại 175 năm.
Bi kịch lần hai – Con chết, chồng phế ngôi để cưới chị vợ.
Sau khi nhường lại ngai vàng cho Trần Cảnh, lúc này Chiêu Hoàng mới có 7 tuổi và được Trần Cảnh phong làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh. Những tưởng sự đời từ đây đã được an phận, không làm vua nữa thì đã có chồng làm vua, nếu sinh được con trai, thì con bà cũng lại tiếp tục kế nghiệp của nhà Trần, cũng an ủi được phần nào đối với vương triều nhà Lý. Bảy năm sau, Chiêu Thánh 14 tuổi thì sinh con trai là thái tử Trịnh, nhưng không may Trịnh mất ngay sau đó.
Từ đó bà đau ốm liên miên tới 5 năm sau mà vẫn chưa có con. Lúc này Trần Thủ Độ và mẹ ruột của bà là Trần Thị Dung (đã lấy Trần Thủ Độ và được gọi là công chúa Thiên Cực), lại tiếp tục bàn mưu với nhau, phải giữ được ngai báu cho dòng họ nhà Trần, ép buộc Trần Thái Tông lấy Thuận Thiên công chúa (lúc này đang là vợ của Trần Liễu, anh trai của nhà vua) và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Xem xét lại mối quan hệ như mối bòng bong này giữa các nhân vật trong câu chuyện này. Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung vốn là hai chị em con chú con bác, bố của Trần Thị Dung là Trần Lý anh trai của Trần Hoằng Nghi (bố của Trần Thủ Độ), sau đó hai nhân vật này trở thành vợ chồng.
Tiếp đến thế hệ của Trần Cảnh, Chiêu Thánh thì Trần Cảnh là con của Trần Thừa, anh trai của Trần Thị Dung, xét về thế thứ thì Trần Cảnh là anh họ của Chiêu Thánh. Giờ đây, dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, lại một lần nữa sự loạn luân trong dòng họ Trần được đẩy lên tới đỉnh điểm. Trần Cảnh lấy Thuận Thiên (vừa là em họ, vừa là chị dâu, vừa là chị vợ).
Hoàng đế Việt được vợ nhường ngôi nhưng cưới chị dâu mang thai ba tháng.
Những biến cố lớn của cuộc đời dồn dập xuống đầu của một cô công chúa mới 19 tuổi đầu, từ một vị hoàng đế, xuống làm hoàng hậu, con trai mất, bà lại tiếp tục bị mẹ đẻ của mình trực tiếp hay gián tiếp giáng xuống làm công chúa. Còn gì chua xót hơn khi người phụ nữ đã nhường ngôi đế vương cho chồng mình song lại gián tiếp bị chính chồng mình phản bội để lấy chị gái ruột. Có lẽ Chiêu Thánh đã từng hỏi: "Thái Tông có yêu nàng không, dù chỉ là một chút". Nhưng nghẹn ngào nhất là mẹ ruột của bà - Trần Thị Dung đã đặt lợi ích dòng họ lên quá cao, để rồi đến con mình rứt ruột đẻ ra phải chịu cảnh đau khổ đến tột cùng. Quá buồn và chán nản, không chịu được cảnh ngột ngạt trong cấm cung, bà xin với triều đình cho xuất gia đi tu.
Bi kịch lần ba – Chồng cũ đem gả bán vợ để trả ơn.
Sau 21 năm sống cuộc đời cô độc và buồn thảm từ khi bị truất xuống làm công chúa Chiêu Thánh. Năm 1258, một sự cố lớn nữa lại đến trong cuộc đời bà, nhưng đó cũng là niềm an ủi, niềm hạnh phúc những năm tháng cuối cùng đối với Chiêu Thánh.
Khi đó, quân Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Thái Tông được một vị tướng tên Lê Phụ Trần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên giặc. Ghi nhận công lao, vua phong tước cho Lê Phụ Trần là Ngự sử đại phu và muốn gả vợ cũ là Công chúa Chiêu Thánh cho. Trần Thái Tông đã tìm gặp Lý Chiêu Hoàng để thuyết phục bà. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép: “Vua nói rằng: "Trẫm đã không có khanh há có được ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc trọn vẹn về sau”. Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa.
Trước sự việc gây chấn động triều đình, “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần ghi: “Hậu thế chẳng ai dám trách Lê Phụ Trần, chỉ tiếc cho vua Trần, rằng khen sao hay vậy mà thưởng sao lạ vậy. Trong đạo vợ chồng, Thái Tông chi mà bạc, bạc đến vậy, chi mà tệ, tệ đến vậy”.
Lệnh vua khó cãi, Chiêu Thánh không từ chối nổi nên đặt ra 3 điều kiện:
1. Xóa bỏ lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý.
2. Lăng miếu thờ các vị Hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn.
3. Dinh thự của Lê Phụ Trần phải chuyển ra xa Hoàng thành.
Sau khi được chấp thuận các yêu cầu trên, Chiêu Thánh mới đồng ý kết hôn cùng Lê Phụ Trần. Lúc đó, bà đã 40 tuổi.
Lý Chiêu Hoàng sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Cuộc hôn nhân gượng ép nhưng lại giúp cho Chiêu Thánh được hưởng sự yêu thương, hạnh phúc. Những ngày tháng sống cùng Lê Phụ Trần là những ngày tốt đẹp nhất.
Sau này, con trai Lê Tông của Chiêu Thánh, khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, vua ban quốc tính và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Ông là danh tướng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Theo chính sử, Chiêu Thánh mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi, lăng mộ đặt ở bên rừng Báng thuộc đất Đình Bảng, dân gian gọi đó là lăng Cửa Mả.
Ở Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Hoàng trách Trần Cảnh về việc này:
“ Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!”
Cuộc đời bà đi hết biến cố này đến biến cố khác nhưng những năm tháng cuối của cuộc đời bà đã được sống hạnh phúc bên Phụ Trần và các con. Việc sinh con đã mang lại niềm hạnh phúc được làm mẹ cho Chiêu Thánh, là minh chứng hùng hồn tội ác vô luân của Thủ Độ và Linh Từ, nhưng liệu đã đủ xua tan những bóng mây u ám vây quanh bà chăng? Tin thượng hoàng Thái Tông băng vào tháng 4 Đinh Sửu làm vết thương lòng cuả bà nhói đau trở lại. Một năm sau Chiêu Thánh công chúa ra đi trong lặng lẽ, thế mà những thành kiến khắc nghiệt của các sử thần Nho giáo vẫn không chịu buông tha bà:
Việt Sử Tiêu Án viết như sau: “Bà Chiêu Thánh mất. Bà đã bị giáng là Công chúa, rồi gả cho Phụ Trần, khi ấy mất đã 61 tuổi. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên đầm có miếu Chiêu Hoàng, đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Thánh mà đặt ra thuyết ấy. Bà Chiêu Hoàng nhất sinh là người dâm, cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, đâu còn trinh tiết như lời người ta truyền lại.”
Tuy là một vị vua chính thức của vương triều nhà Lý, một vương triều rực rỡ của nước Đại Việt, vương triều đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này, nhưng Lý Chiêu Hoàng đã không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua, nhưng chỉ có 8 vị trước Lý Chiêu Hoàng (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, còn riêng bà Chiêu Hoàng thì lại thờ riêng tại một khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Một số người cho rằng, vì bà đã để mất ngôi nhà Lý, nên bị coi là mang tội với dòng họ, nên không được thừa nhận và phải thờ riêng. Với quan điểm này, nhà thơ Tản Đà từng có bài thơ vịnh Lý Chiêu Hoàng:
"Quả núi Tiên Sơn có nhớ công
Mà em đem nước để theo chồng
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong".
Một lý do khác được GS Sử học Vũ Văn Ninh lý giải: Có thể vì bà làm vua trong 2 năm, nhưng do còn nhỏ, nên không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng, "xuất giá tòng phu" và không còn là người trong cung thất nhà Lý.
Khá nhiều ý kiến nghiêng về cách lý giải: Là vua, nhưng chỉ vì là phụ nữ, nên Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung với các bậc tiên vương, do quan niệm trọng nam khinh nữ tồn tại trong xã hội phong kiến. Mới đây, Tiến sĩ Phật học Thích Đức Thiện cũng có cách lý giải trùng với quan điểm này: "Ngôi đền được xây dựng từ thời phong kiến mang đậm ảnh hưởng của đạo Khổng, đạo Nho, vì thế, phụ nữ cũng ít được coi trọng và phải chịu nhiều thiệt thòi."
Lại có thông tin truyền miệng về việc Lý Chiêu Hoàng không được thờ cùng các vị tiên đế là do, khi ở tuổi 61, Lý Chiêu Hoàng trầm mình tự vẫn ở Thanh Hóa, rồi thi hài bà được chuyển về quê hương. Trên đường đi, qua một bãi đất thì kiệu không thể khiêng đi được nữa, nên mọi người cho rằng, đó là ý muốn của Lý Chiêu Hoàng, nên đã dựng Long Miếu thờ bà tại đó, nay gọi là đền Rồng. Tuy nhiên, câu chuyện này không thuyết phục vì không có tài liệu nào ghi chép. Hơn nữa, bà đã có những năm cuối đời hạnh phúc và bình an bên tướng Lê Phụ Trần và 2 người con thành đạt, nên chẳng có lý do gì để bà phải tự vẫn.
Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng duy nhất trong lịch sử các triều đại Việt Nam, nhưng “ đáng tiếc thay, đau buồn thay”, khi chỉ là phận nữ nhi chân yếu tay mền. Đau hơn nữa là không được tự tay quyết định số phận cuộc đời của chính mình, mà tất cả đều nằm trong tay kẻ khác, kể cả mẹ ruột của mình.
“THẬT ĐÁNG TIẾC , ĐAU BUỒN , CHO SỐ PHẬN CỦA MỘT NỮ HOÀNG …!”