Thiên Ninh Công Chúa và Sự Nghiệp Trung Hưng Nhà Trần
Nhà Trần một triều đại nổi tiếng trong lịch sử Đại Việt với ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược cũng như đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, người ta cũng ghi nhận sự hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Những nàng công chúa cành vàng lá ngọc không tiếc hi sinh bản thân vì lợi ích nước nhà. Nhà Trần đúng là một dòng tộc với nhiều nàng công chúa có số phận vô cùng đặc biệt. Một An Tư công chúa chấp nhận hạ mình hầu hạ giặc để tướng sĩ nước ta có thời gian chuẩn bị, một Huyền Trân công chúa lấy vua Chế Mân để Đại Việt mở rộng bờ cõi với Châu Ô, Châu Lý. Nhưng có lẽ lịch sử đã lãng quên một người con gái có công lao rất lớn giúp cho vương triều nổi tiếng này tiếp tục giữ lấy vai trò trên vũ đài chính trị thêm 30 năm nữa. Hay cố tình quên do đây là một vết “nhơ” mà nhiều nhà sử học tránh né, ít muốn đề cập đến, đó là kết hôn cận huyết trong hoàng tộc, hay hôn nhân nội tộc.
Nhìn lại lịch sử, có một vị công chúa đã dẹp bỏ mọi luân thường đạo lý, dù đã kết hôn vẫn loạn luân với em ruột là vua Trần Dụ Tông để chữa bệnh “bất lực” .
Thiên Ninh công chúa giúp em trai Trần Dụ Tông chữa bệnh "chăn gối".
Thiên Ninh công chúa - Bà tên thật là Ngọc Tha hoặc Bạch Tha. Con gái của Trần Minh Tông Trần Mạnh và Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu Trần thị. Bà là con gái của đích hoàng hậu, đích nữ của Minh Tông. Trong thời đại phong kiến, đích và thứ có sự khác biệt lớn nên thân phận của bà thập phần tôn quý. Năm Nhâm Ngọ (1342), bà được vua Trần Dụ Tông phong làm Thiên Ninh công chúa. Sau đó không lâu, bà kết hôn với Chính Túc Vương Trần Kham, có sách chép phong hiệu là Hưng Túc. Bà nổi tiếng với việc khuyên Trần Nghệ Tông dấy binh thảo phạt Đại Định Đế Dương Nhật Lễ, giúp trung hưng nhà Trần.
Phương thuốc liệt dương và cái án chị em loạn luân
Giữa những câu chuyện lịch sử vẻ vang của nhà Trần thì rất ít người biết đến chuyện thâm cung bí sử về nàng công chúa - chịu mang mối ô danh, xuôi theo số phận để giang sơn xã tắc không rơi vào tay ngoại tộc, để cơ nghiệp lâu dài của dòng họ được tiếp nối.
Chuyện chị em ruột loạn luân là điều không thể chấp nhận trong xã hội, thế nhưng với nhà Trần loạn luân lại được coi là chuyện thường. Chuyện Thiên Ninh công chúa thông dâm với em ruột không những bị lên án mà còn được đồng tình ủng hộ.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Vào đêm trung thu năm Khai Hựu thứ 11, vua Trần Minh Tông đi thuyền chơi trên Hồ Tây, hoàng tử Hạo mới lên bốn tuổi cũng được đi theo. Hoàng tử vô ý rơi xuống nước. Mọi người hoảng hốt nhảy xuống mò tìm, mãi hồi lâu mới mò được xác hoàng tử kẹt ở lỗ cống đơm cá. Khi vớt lên thì Hoàng Tử đã chết. Thượng Hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Trâu Canh tâu rằng: "Có thể cứu được nhưng phải dùng kim châm vào các huyệt, Hoàng tử có thể sống nhưng chỉ sợ sau này sẽ bị liệt dương…”
Thời gian trôi qua, không ai còn nhớ câu nói cuối cùng của Trâu Canh khi cứu hoàng tử Hạo. Đến năm lên 14 tuổi, Thượng Hoàng cưới vợ cho Dụ Tông. Hoàng hậu là công chúa Y Từ, con gái thứ tư của Bình Chương Huệ Túc Vương. Lúc đó, lời nói năm xưa của thần y Trâu Canh trở nên ứng nghiệm. Vua Dụ Tông nhận ra mình không có khả năng làm chồng.
Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương bèn dâng phương thuốc nói rằng : “Phải giết một bé trai, lấy mật hoà với dương khởi thạch mà uống. Ngoài ra phải thông dâm với chị hay em ruột mình thì mới hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột của mình là Thiên Ninh Công Chúa.” Quả thật đây là một lời tuyên bố cực kỳ quái đản, phản đạo đức và bất nhân làm cả hoàng gia bối rối. Mới nghe qua tưởng chừng như đùa, nhưng đó là chuyện thật. Để giữ vững cơ nghiệp, vua chúa có sá chi chuyện giết hàng vạn người, nói gì đến một đứa bé. Nhưng còn chuyện ” ngủ với chị mình hay em gái mình” điều đó trái với luân thường, đạo lý. Lịch sử không nói lời chi tiết chỉ ghi rằng Vua làm theo, thông dâm với chị ruột của mình là Thiên Ninh Công Chúa quả nhiên có công hiệu.
Thực chất toa thuốc của Trâu Canh
Nghiên cứu toa thuốc điều trị bệnh liệt dương của Trâu Canh cho Dụ Tông, ta thấy có hai yếu tố cần được phân tích. Dược phẩm gồm : Mật + Dương khởi thạch. Hoạt động tình dục: Thông dâm với chị hay em ruột mình. Cả hai yếu tố này đều có sự tàng ẩn không bình thường. Thứ nhất: Đòi hỏi mật của một đứa bé đồng nghĩa với khuyến khích giết chết một người. Đó là một việc trái với đạo đức của xã hội và y đức. Thứ hai: Thông dâm với chị hay em ruột của mình là một đòi hỏi trái với luân lý của gia đình và xã hội. Như vậy là Trâu Canh đã đặt triều đình nhà Trần, Thượng Hoàng Trần Minh Tông vào một cái thế là phải đi ngược đạo đức và luân lý mà mục đích chỉ để Dụ Tông Hoàng đế có người nối dõi ? Tất cả âm mưu này chẳng qua là một đòn tâm lý ác liệt đối với Dụ Tông thông qua sự yểm trợ mạnh mẽ của Thượng Hoàng và Thái Hậu cũng như Công Chúa Thiên Ninh. Điều trị liệt dương là điều trị cảm xúc, điều trị cái nguyên nhân tâm lý đã gây ra hậu quả liệt dương như các cơ chế y khoa hiện đại đã nói trên. Chính Trâu Canh đã gây ra cái nguyên nhân ấy mười năm trước khi ông ta nói sẽ “liệt dương về sau”. Vị Hoàng Thái Tử đã bị ám ảnh từ đó. Một dấu ấn ngày càng trở nên hãi hùng đối với vị hoàng tử đáng thương kia.
Liệt dương… liệt dương… liệt dương… vang lên suốt cả cuộc hành trình khôn lớn. Một định kiến cho rằng mình liệt dương đã được thiết lập. Người duy nhất có thể phá bỏ cái định kiến ấy không ai khác hơn là Trâu Canh. Vì hơn một lần ông ta cứu sống vị vua này.Trâu Canh đã cứu sống Dụ Tông lúc bốn tuổi. Trâu Canh được triều đình xưng tụng là thần y. Nay Trâu Canh lại chữa được bệnh liệt dương cho Dụ Tông. Phương pháp kỳ dị của y được toàn thể Hoàng gia đồng tình vun vào, ngay cả Thiên Ninh Công Chúa cũng chấp nhận. Nhưng rồi về sau, chính vì sự xa hoa khoái lạc vô độ, vua Trần Dụ Tông chết đi mà không để lại bất kỳ đứa con nối dõi nào.
Một nữ nhi, một vị công chúa đã thành gia lập thất lại phải chấp nhận làm những điều trái lẽ thường để hậu duệ của dòng tộc được duy trì. Đó há chăng là gạt bỏ mọi luân thường, đạo lý, đánh mất danh tiết, phẩm hạnh – thứ đáng quý nhất của nữ nhân thời đại phong kiến bấy giờ hay sao? Để rồi ngàn đời sau vẫn còn lưu truyền lại như một vết mực đen trong lịch sử. Số phận có lẽ đã lựa chọn các nàng, tuy mang thân phận cao quý, sống đời vinh hoa, song phải chấp nhận chịu nhiều điều bất đắc dĩ, nhiều thứ bản thân không mong muốn hay thậm chí là trái với lẽ thường. Giữa những năm tháng khó khăn, nhiễu nhương hay suy tàn của triều đại, có những nàng công chúa được sinh ra đã định phải vì vinh hiển gia tộc mà đánh đổi, để rồi cuộc đời nữ nhân sớm nở tối tàn.