LÊ NGỌC BÌNH - NGƯỜI PHỤ NỮ TỐT SỐ NHẤT VIỆT NAM?

Cùng GALAXY Tourist tìm hiểu về giai thoại công chúa Lê Ngọc Bình nhé!

NGƯỜI PHỤ NỮ TỐT SỐ NHẤT VIỆT NAM – LẤY HAI ĐỜI CHỒNG ĐỀU LÀ VUA?

Số đâu có số lạ lùng,
Con vua lại lấy hai chồng làm vua”


                  Khi nghe hai câu ca dao trên, chúng ta thường nghĩ tới một người phụ nữ may mắn nhất lịch sử Việt Nam là con vua lại còn lấy hai đời chồng làm vua chính là cô công chúa xinh đẹp bạc mệnh Lê Ngọc Hân – vợ của vua Quang Trung về sau này trở thành vợ vua Gia Long. Nhưng thực chất công chúa Ngọc Bình em gái của bà mới là người được đề cập đến trong hai câu nói trên. Để làm sáng tỏ vấn đề này, ta cùng đi sâu vào tìm hiểu về tích của hai nàng công chúa . 


Phác họa cuộc đời ngắn ngủi của tuyệt sắc giai nhân Lê Ngọc Hân:
 

                 Lê Ngọc Hân còn gọi Công chúa Ngọc Hân hay Bắc cung Hoàng hậu. Cha của công chúa, tức vua Lê Hiến Tông và mẹ bà là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền. Tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc với ý muốn "phù Lê diệt Trịnh". Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến Lê Hiến Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng lệnh cha thành hôn cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ đã 33 tuổi và có chính thất là Phạm Thị Liên.
                Cuộc đời bà thường được thêu dệt về giai thoại cuộc tình đẹp đẽ giữa bà với Nguyễn Huệ, vì bà là công chúa một triều đại lớn suy thoái, lại kết hôn với người đứng đầu Tây Sơn khi ấy đang đe dọa nền chính trị của nhà Hậu Lê. 

 

Công chúa Lê Ngọc Hân.


               Tuy nhiên hạnh phúc chưa được bao lâu thì Nguyễn Huệ qua đời, bà Lê Ngọc Hân mất chỗ dựa từ chồng mình. Quang Toản là con của bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên lên nối ngôi, tức là Cảnh Thịnh đế. Lúc bấy giờ, Ngọc Hân đưa các con ra khỏi cung điện ở Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền cạnh Đan Dương điện với danh nghĩa thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (1799) thì mất, đương lúc triều vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn suy thoái. Năm đó bà mới 29 tuổi. Sau đó hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, đến năm 1802 công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.
                 Xoay quanh số mệnh ngắn ngủi của ba mẹ con nhiều người cho rằng bà bị phe cánh của vua Quang Toản ép uống thuốc độc còn các con của bà và vua Quang Trung thì bị thắt cổ cho đến chết. Có người lại nói do triều đình nhà Nguyễn truy bứt khiến hồng nhan sớm yểu mệnh. Thực tế cái chết của bà cùng các con cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Nếu như có người muốn hãm hại thì đã giết chung một lượt, hà cớ gì lại phải chờ đợi. Nếu như phe cánh của Vua Quang Toản vì e dè thế lực của bà thì hoàn toàn không đúng vì sau khi Vua Quang Trung mất, bà như phượng hoàng gãy cánh. Thế lực nhà mẹ đẻ lúc bấy giờ cũng không còn. Quang Toản lại là anh trai cùng cha khác mẹ với Quang Đức và Bảo Ngọc. Đồng ý là trong lịch sử các triều đại phong kiến ngày xưa thường xảy ra các việc cha giết con, anh em giết hại lẫn nhau tranh giành ngôi báu. Nhưng lúc này cục diện nhà Tây Sơn đã khó có thể giữ vững, bà Ngọc Hân và các con cũng không phải là mối nguy hại đến vua. Lúc bấy giờ em gái của bà đương là chính thất của Cảnh Thịnh Đế Nguyễn Quang Toản thì lại càng không có chuyện để cho chị và các cháu mình bị hại như vậy. Nếu xét về giả thuyết bị nhà Nguyễn bức hại thì lại càng không vì lúc bấy giờ triều Tây Sơn tuy suy thoái nhưng vẫn còn tồn tại thì làm sao có chuyện một Bắc cung hoàng hậu cùng hoàng tử và công chúa lại bị sát hại dưới tay phe đối địch.
                 Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền vì thương con gái và hai cháu ngoại đều chết yểu nơi xa, lại sợ việc nhà Nguyễn truy bức nhà Tây Sơn sẽ làm hại đến mộ phần của con gái cùng hai cháu, bà đã bí mật vào Huế đưa hài cốt của ba mẹ con hoàng hậu Ngọc Hân từ Huế về chôn cất tại bãi Cây Đại, ở rìa làng Nành. Việc này hoàn toàn bí mật khi bà ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công lao của Chiêu nghi họ Nguyễn đối với dân làng đã quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ, có viên phó tổng cùng làng có thù riêng với ông tú, đã lên quan tố giác về việc thờ "ngụy Huệ". Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật ba ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông Hồng. Ông tú bị khép trọng tội.
                 Thực chất nếu Ngọc Hân công chúa về sau trở thành phi tần của vua Gia Long thì không có chuyện bị vứt hài cốt nói trên. Một giả thiết quan trọng nữa là bà đã mất từ năm 1799. Lúc này triều đại nhà Tây Sơn suy thoái chứa chưa hẳn diệt vong. Sau khi Lê Ngọc Hân qua đời, Cảnh Thịnh Đế Nguyễn Quang Toản sai Phan Huy Ích làm sách văn dâng thụy cho Ngọc Hân thì không lí nào bà từ một người thiên cổ há lại trở thành phi tần của vua Gia Long. Vậy thì Đệ Tam cung Đức Phi, người được nhắc đến trong câu ca dao mất năm 1810 là ai?


Đệ Tam Cung Nhà Nguyễn – Lê Ngọc Bình


                Theo một số tài liệu, công chúa Lê Ngọc Bình sinh ngày 22/01/1785, mất ngày 12/09/1810. Bà là con út của vua Lê Hiến Tông với bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều và cũng là chị em cùng cha khác mẹ với công chúa Lê Ngọc Hân. 
              Công chúa nổi tiếng xinh đẹp sắc nước hương trời và hơn thế nữa, dân gian lưu truyền rằng trên người nàng có một mùi hương toả ngát vô cùng quyến rũ. Ngoài nhan sắc diễm lệ, Ngọc Bình còn có giọng nói dịu dàng trong trẻo, dáng điệu thướt tha mềm mại, có thể ví như bông hoa hồng toả sắc rực rỡ.

 

Công chúa Ngọc Bình


                  Năm 1795 công chúa khoảng độ 11 tuổi, Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị đánh đổ, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân muốn hướng Quang Toản về Bắc Hà nên mai mối Ngọc Bình cho Quang Toản. Quang Toản là con trưởng vua Quang Trung sau khi lên ngôi năm 1792, ông đổi niên hiệu thành Cảnh Thịnh.
               Trở thành vợ vua Tây Sơn, Lê Ngọc Bình sống 6 năm trong cung với danh Chính cung Hoàng Hậu nhưng không sinh được người con nào. Lại nói về quan hệ giữa Cựu hoàng hậu Lê Ngọc Hân và Hoàng hậu Lê Ngọc Bình, cả hai vừa là chị em, vừa là mẹ chồng nàng dâu. Về phía Quang Trung và Quang Toản vừa là cha con, vừa là rể của hoàng đế Lê Hiến Tông. Đây được nhận định là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất trong lịch sử.
               Lúc này, thực lực của nhà Tây Sơn đang vô cùng suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long sau này) dùng mưu “thí xe bắt tướng”, tấn công thành Phú Xuân, khiến vua Nguyễn Quang Toản phải bỏ chạy ra Bắc. Công chúa Lê Ngọc Bình không theo kịp, nên bị kẹt lại cùng một số cung nữ.
                 Sau khi truy bắt và xử tử vua quan triều Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua. Năm đó, Lê Ngọc Bình bị kẹt lại Phú Xuân, khi Chánh tổng Yên Mẫu đem dâng nàng lên, vua Gia Long rất ưng ý, vô cùng say mê bà. Triều thần can ngăn Gia Long: “thiên hạ thiếu gì đàn bà mà lại lấy vợ của giặc”. Vua Gia Long cười ha hả và trả lời bề tôi rằng: "Đến đất nước của giặc tau còn lấy, huống chi là vợ giặc, tau lấy vợ giặc làm vợ tau thì có chi mô!". Số phận đưa đẩy, công chúa trở thành Gia Long Đế phi, mang trên mình thân phận vợ cũ Cảnh Thịnh Đế. 
                Vua Gia Long hết mực sủng ái Lê Ngọc Bình. Hai người có với nhau bốn người con, là Nguyễn Phúc Cự, Nguyễn Phúc Quân, An Nghĩa công chúa và Mỹ Khê công chúa. Nàng được ban thuỵ là Cung Thận Đức Phi. Tuy vậy, từ ngày trở thành phi, Ngọc Bình không hề vui vẻ cho lắm. Do bà sinh liên tục 4 người con nên dẫn đến tình trạng sức khoẻ bà suy yếu và bà mất khi còn rất trẻ, khoảng chừng 25 tuổi. Vì là con vua, do số phận trêu ngươi mà trở thành vợ của hai vua nên Ngọc Bình đã gửi gắm tâm sự, nỗi lòng của mình qua câu ca như sau: 


“Mất chồng rồi lại lấy chồng
Mặt nào còn sống ở trong cõi đời?”

 

Mộ bà Đức phi Ngọc Bình.


                Cả hai công chúa Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm đồng nhất. Hai bà đều là con của Vua Lê Hiến Tông, sinh trưởng ở ngoài Bắc, lớn lên đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, nghĩa là cả hai bà đều là "Hoàng hậu Phú Xuân". Cuộc đời của Ngọc Hân và Ngọc Bình xảy ra tương đối cùng thời điểm, đan xen vào nhau. Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà, gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình. Vì vậy, có thể đi đến kết luận rằng, người trong câu ca dao nêu trên là công chúa Lê Ngọc Bình chứ không phải Ngọc Hân như nhiều người lầm tưởng.
               Về mối quan hệ giữa vua Quang Trung Và Vua Gia Long được biết đến là kẻ thù không đội trời chung. Những cuộc truy lùng và những lần cho giết hại người thân của Nguyễn Phúc Ánh, quật hài cốt của cha ông là Nguyễn Phúc Côn đổ xuống sông. Nên về sau này mới xảy ra những màn trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn những người có quan hệ huyết thống với Nguyễn Huệ bị xử lăng trì. Quang Toản thì bị voi xé xác, đầu bị bỏ vào vò và giam trong ngục. Lăng mộ nhà Tây Sơn thì bị quật lên. Sọ của vua Quang Trung thì bị xích và nhốt vào ngục tối,…

 

Chân dung vua Quang Trung và vua Gia Long (tính từ trái sang).

             Tuy nhiên nếu xét theo quan hệ gia đình, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là anh em cột chèo với nhau khi lấy hai chị em ruột. Trong đó Nguyễn Huệ là anh, Nguyễn Ánh là em. Sự hận thù giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là chuyện mà ai cũng biết, nhưng dù là hai kẻ thù không đội trời chung thì số phận dường như sắp đặt cho cả hai vẫn còn đó chút dính líu với nhau kỳ lạ như vậy. Sự thật lịch sử đôi khi mang đến cho ta những điều thật thú vị.
                Nói về Đệ Tam Cung Đức phi Lê Ngọc Bình và Thái Hậu Dương Vân Nga là hai người phụ nữ trong lịch sử làm vợ của hai triều đại khác nhau, mà Lê Ngọc Bình lại còn là ái phi của hai vương triều đối nghịch dữ dội nhất là Cảnh Thịnh đế nhà Tây Sơn và Gia Long đế nhà Nguyễn. Tuy cuộc đời của bà không để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhưng bà là điểm sáng trong hậu cung vua Gia Long và là sợi dây nối dài giữa ba triều đại nhà Lê – Tây Sơn – Nguyễn.