AN NAM TỨ ĐẠI KHÍ - HUYỀN THOẠI VỀ ĐỨC THÁNH NGUYỄN LÝ QUỐC SƯ

“An Nam tứ đại khí” hay “Nam thiên tứ bảo khí” là sự tích kể về bốn bảo vật bằng đồng được đúc dưới thời Lý – Trần - khi mà Phật giáo lúc này đại thịnh.

Truyền thuyết về An Nam tứ đại khí thời Lý – Trần.

 “An Nam tứ đại khí” hay “Tứ bảo khí”của Việt Nam cổ được hiểu là 4 công trình to lớn và quí báu nhất nước Nam ta. Đây là bốn kỳ quan, bốn vật quốc bảo và là bốn công trình nghệ thuật bằng đồng của văn hóa thời Lý, Trần. Bốn công trình trên gồm:

•    Tháp Báo Thiên ở Thăng Long (Hà Nội).
•    Chuông Quy Điền (chuông ruộng rùa) ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), Hà Nội.
•    Vạc Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, Thiên Trường (Nam Định).
•    Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh).

              Thiền sư Nguyễn Minh Không – Ông tổ của nghề Đông y Việt Nam.
            Người góp công lớn nhất cho bốn công trình trên một vị thiền sư từng là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư tên hiệu là Nguyễn Minh Không. Ông tên thật là Nguyễn Chí Thành, sinh tại làng Đàm Xá, phủ Tràng An. Nay thuộc làng Điền Xá, xã Gia Thắng, Gia Viễn, Ninh Bình. 

Tượng Lý Quốc Sư tại đền thánh Nguyễn ở quần thể chùa Bái Đính, Ninh Bình.


              Hậu thế tôn vinh ông là tổ của nghề Đông Y Việt Nam. Là một thầy thuốc tài ba bậc nhất, một nhà sư tài cao đức trọng. Khi phát hiện ra nơi tiên cảnh, núi lại hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý nên ông chọn dừng lại nơi đây để tu hành và biến nơi đây thành “vườn sinh dược” để cứu sinh độ thế muôn dân. Ông đã trực tiếp bốc thuốc chữa bệnh cho chúng sinh nhờ vào những loại thuốc quý có sẵn nơi đây và một số loại ông đưa từ nơi khác về trồng. 
               
Thần y chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông.

             Chuyện kể rằng, khi ba người (Không Lộ, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh) ngồi thuyền đến Thiên Trúc tìm thầy học Đạo. Một ngày nọ khi cả ba vị đang dạo chơi trong rừng, Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ dọa hai huynh đệ. Tôn sư của họ liền nói: "Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế." 
Từ Đạo Hạnh hối hận: "Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi đệ sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, huynh với đệ có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu đệ." Không Lộ lúc ấy mới nói với Từ Đạo Hạnh rằng: “Chúng tôi bây giờ đã lớn tuổi, xin trông cậy cả vào Minh Không”. Minh Không lúc bấy giờ là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh. Lúc còn nhỏ tuổi từng đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo. Đạo Hạnh thấy Nguyễn Chí Thành là người có ý chí bèn truyền tâm ấn, và đặt tên cho.
               Chính vì vậy, khi sắp viên tịch, biết mình sẽ hóa thân làm con của Sùng Hiền Hầu, tức Lý Thần Tông sau này, Từ Đạo Hạnh mới cho gọi Minh Không đến mà dặn rằng: “Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Nói xong, đưa cho Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú và dặn rằng: “Hai mươi năm sau, nếu nghe quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay.”
              Sau khi Thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm hoàng thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông Hoàng đế. Vừa lên ngôi không bao lâu thì vào năm 1136, vua bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày. Các danh y tài giỏi từ khắp nơi trong cả nước được mời đến chữa bệnh nhưng bệnh của vua không thuyên giảm.
               Triều đình phái sứ giả đi khắp nơi tìm người có thể chữa bệnh cho đức vua. Khi sứ giả đến vùng núi Tử Trầm, nơi Minh Không trụ trì, thấy trẻ con hát câu đồng dao: “Tập tầm vông, có Nguyễn Minh Không chữa được mình rồng thiên tử…” Sứ giả thấy lạ liền hỏi thăm và tìm được Nguyễn Minh Không, mời ông vào triều chữa bệnh cho vua. 
              Trên thuyền của sứ giả lúc bấy giờ có rất nhiều lính chèo thuyền, muốn dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái niêu nhỏ đem cho họ cùng ăn, bảo họ rằng: “Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”. Thế mà bọn lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết được niêu cơm. Khi bọn lính ăn xong, Minh Không lại bảo: “Anh em hãy tạm ngủ say một lát nữa đợi nước triều lên ta hãy bắt đầu đi”. Bọn lính đồng ý, đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về tới kinh đô, bọn lính bơi chèo tỉnh dậy đều lấy làm lạ, phục tài của thiền sư Minh Không. 
              Khi về đến nơi, nhiều pháp sư khác cũng đang ở trên điện làm phép chữa bệnh cho vua. Họ thấy Minh Không ăn mặc quê mùa nên khinh thường không thèm chào hỏi. Nguyễn Minh Không liền lấy một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc đóng sâu vào chiếc cột lim rồi nói: “Ai rút được chiếc đinh này ra thì người đó sẽ chữa được bệnh cho nhà vua”. Tất cả các danh y dù trong lòng có chút nghi ngờ nhưng vẫn tranh nhau mặc sức nhổ chiếc đinh đó, nhưng không tài nào nhổ được. Lúc đó, Nguyễn Minh Không chỉ dùng hai ngón tay kẹp lại , rồi nhẹ nhàng nhổ nhẹ chiếc đinh ra khỏi cột, khiến cho mọi người không khỏi khiếp phục.Tiếp đó, ông sai lấy một vạc dầu lớn đun sôi, thả vào đó một trăm chiếc kim và hỏi :”Có ai dùng tay lấy đủ 100 chiếc kim trong này ra không?”. Tất cả đều rùng mình lắc đầu không dám. Ông liền thò tay vào vạc dầu đang sôi sùng sục, quậy lên khoảng ba bốn lần rồi vớt đủ 100 cái kim.

Thiền sư dùng tay lấy đủ 100 chiếc kim trong vạc dầu lớn đun sôi.


              Sau đó, Nguyễn Minh Không lấy nước dầu sôi tắm cho nhà vua, lấy kim châm vào các huyệt, dầu dội đến đâu, lông lá trút hết đến đó. Bệnh liền bớt ngay. Nhà vua, các quan thần cũng như những người có mặt ở đó vô cùng kính phục trước tài phép của Nguyễn Minh Không.

 Ông trị bệnh "hóa hổ" cho vua bằng phương pháp châm cứu.


                  Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư và ban quốc tín họ Lý. Từ đó nhiều người gọi ông là Lý Quốc Sư, ghép giữa họ của vua ban và chức danh cao nhất của ông lúc bấy giờ. Ông trở thành vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu.
              Lập chùa, mở mang Phật Giáo.
                Trong suốt cuộc đời, trên cương vị quốc sư thống lĩnh lực lượng Phật giáo quốc gia, ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như: chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước, chùa Địch Lộng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Trông, chùa Kim Liên, chùa Hàm Long,... 

Bái Đính cổ tự – ngôi chùa trứ danh đất Ninh Bình.


                  Quốc sư Minh Không là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam. Là một nhân vật có thật, có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân nhưng đôi khi có những “hành trạng” kỳ bí, thực thực hư hư nên người Việt tôn sùng ông là đức Thánh Nguyễn. 
                 Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông cùng với Trần Hưng Đạo, là những nhân vật lịch sử có thật, sau này được người Việt tôn sùng là đức thánh Nguyễn, đức thánh Trần và ông được hậu thế thờ ở rất nhiều đền, đình, và cả trong chùa theo kiểu tiền Phật hậu Thánh. Về sau ông được tôn làm một trong các vị Thánh Tứ Bất Tử của dân tộc ta. Cho đến khi Công Chúa Liễu Hạnh xuất hiện thì mới có sự thay đổi.

              Ông tổ của nghề đúc đồng – Pháp sư tài danh.
                 Không chỉ là một danh y nổi tiếng mà Nguyễn Minh Không còn được mệnh danh là ông tổ nghề đúc đồng. Ông chính là người góp phần tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý.
                Tương truyền rằng, ông một mình sang Trung Quốc để chữa bệnh cho thái tử con vua phương Bắc. Được vua thưởng cho nhiều vàng, bạc, châu báu nhưng Nguyễn Minh Không chỉ xin một ít đồng đựng đầy túi ba gang của mình. Nhà vua nhìn thấy chiếc túi của ông, liền đồng ý, cho phép ông vào kho lấy đồng. Kỳ lạ thay, ông đã thu hết cả mười kho đồng mà vẫn chưa đầy túi ba gang. Sau đó, ông mang túi đồng xuống thuyền để về nước, nhưng không chiếc thuyền nào chịu nổi sức nặng của lượng đồng ông mang theo. Nhận thấy tình thế không ổn nên ông bèn thi chuyển pháp thuật biến chiếc nón của mình thành một chiếc thuyền cưỡi sóng xuôi về phương Nam. Về nước, Nguyễn Minh Không đã mang lượng đồng gom được từ Bắc quốc, đúc thành bốn vật báu quý giá của nước ta. 

              Tháp Báo Thiên
                Tháp Báo Thiên có tên đầy đủ là Đại thắng tư thiên bảo tháp, được xây dựng vào năm Đinh Dậu 1057 dưới thời Lý Thánh Tông. Tháp cao 70m được xây dựng hoàn toàn bằng đồng đen. Tháp nằm trong viên tự chùa Sùng Khánh phường Báo Thiên, nay thuộc Hoàn Kiếm Hà Nội.

Tháp Báo Thiên 


                  So với những pháp khí còn lại cũng bị thất lạc thì Tháp Báo Thiên có phần thăng trầm hơn. Năm 1258 đời Trần Thánh Tông, tháp đã bị cháy. Được trùng tu nhưng không lâu sau tháp lại bị sét đánh sạt mất 2 tầng năm 1322.
                 Tháp được liệt vào Tứ đại khí, với 12 tầng là con số chẵn biểu hiện sự cân bằng, ổn định cho triều đình nhà Lý, ngụ ý cho sự trường tồn thịnh vượng. Tháp Báo Thiên được đúc bằng đồng có khắc ba chữ Đao Ly Thiên, tỏ ý rằng ý tưởng của đấng tối cao dâng lên hay xông lên trời thẳm. Trên đỉnh tháp còn có bức tượng tiên nhân đứng hứng mưa làm thuốc cho vua.
                 
Chuông Quy Điền
                 Chuông Quy Điền hay chuông Ngân Thiên được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu chùa Một Cột (Hà Nội) vào năm 1080 đời Lý Nhân Tông. Thiền sư Nguyễn Minh Không chỉ đạo và giám sát việc đúc chuông này, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến 8 tấn đồng đen nhưng khi chuông đúc xong, đánh không kêu, cho rằng nó đã thành khí không nên tiêu hủy bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa. Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên là Quy Điền (ruộng rùa), người ta gọi đó là chuông Quy Điền.  


Ban đầu, chuông Quy Điền được đúc để treo ở Chùa Một Cột.


                Một thời gian sau được kéo lên để đánh thử xem có vang tiếng không. Bất ngờ là sau một khoảng thời gian nằm dưới ruộng, đồng đen hấp thu thêm được linh khí trời đất, nên khi đánh tiếng chuông vang lên rất lớn và phát đi xa, làm kinh động đến nhà Tống, và điều đặc biệt hơn là đánh thức được con trâu vàng nhà Tống trong hoàng cung. 
               Trâu vàng của vua Tống ngỡ là tiếng mẹ gọi, phi thẳng sang nước Nam bởi thế mới có câu “đồng đen là mẹ vàng”. Đến khu vực rừng lim ngoài kinh thành Thăng Long thì không còn tiếng ngân của chuông. Trâu vàng bị mất phương hướng, đã quần thảo khu rừng lim sụt thành hố nước mênh mông. Con đường chạy của nó tạo thành sông Kim Ngưu. Nhà vua e ngại có chuyện không hay bèn sai lính ném quả chuông xuống hồ. Con trâu vàng định vị chỗ đó, nhảy xuống. Từ đó, hồ Tây gắn với truyền thuyết về trâu vàng.

              Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm
                Truyền rằng chùa Quỳnh Lâm đã từng có hai pho tượng lớn. Pho tượng được đúc vào thời Lý do Thiền sư Nguyễn Minh Không phụ trách và một pho khác được đúc vào thời Trần cho Thiền sư Pháp Loa phụ trách. Theo một số tài liệu thì pho tượng đầu tiên thời Lý có chiều cao gần 20m là tượng đồng cổ lớn nhất Việt nam, pho tượng lớn đến nỗi người ta phải cho xây tòa điện cao 7 trượng để đặt tượng. Vì lẽ pho tượng lớn vậy mà dân gian còn nhắc rằng, đứng ở phía nam huyện Đông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm chừng 10 dặm vẫn có thể nhìn thấy nóc điện che sát đầu bức tượng đủ thấy sự vĩ đại của tượng Phật Thế nào. 

Tượng Phật Quỳnh Lâm.


               Pho tượng thứ 2 đúc dưới thời nhà Trần bởi thiền sư Pháp Loa, thiền phái Trúc Lâm. Năm 1327 tượng được đúc xong năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã lạy vua xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Lúc ấy, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã công đức cho chùa 900 lượng vàng để dát tượng. Đây là 2 pho tượng rất hùng vĩ trong giai đoạn cực thịnh của Phật giáo Việt nam.
                 
Vạc Phổ Minh
               Vạc Phổ Minh được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262) đời Trần Thánh Tông, nhân dịp Trần Thái Tông (lúc đó là Thượng hoàng) về chơi Tức Mặc (nay thuộc về tỉnh Nam Định). Tại đây, Trần Thái Tông đã ban yến cho dân làng. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên được ban tước hai tư, lão bà thì được hai tấm lụa. Nhân đấy, đổi Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi đã nhường ngôi về ở. Phía Tây cung Trùng Quang dựng chùa Phổ Minh, tại đây cho đúc một chiếc vạc lớn và khắc bài Minh vào vạc.

Vạc là dụng cụ gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người Việt cổ.


                 Vạc sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6150 kí . Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Chiếc vạc chùa Phổ Minh không những chỉ lớn mà kiến trúc lại rất đẹp, do những nghệ nhân xuất sắc tại kinh thành Thăng Long đúc nên. Trước ngọn tháp cao ở sân chùa Phổ Minh hiện vẫn còn các trụ đá kê chân vạc.
               Những thần khí trên giờ ở đâu?
                  Trải qua bao nhiêu thăng trầm để trấn giữ linh khí cho đất nước, mãi đến đầu thế kỉ XV, năm 1406 Hồ Quý Ly cướp ngôi Trần Nghệ Tông, nhưng lúc bây giờ nhà Minh bên Tàu cho đó là nguỵ triều bèn đem đám đàn em qua dạy dỗ và cướp luôn đất nước. Nhằm thủ tiêu nền văn hóa của người Việt, ngay năm 1406, khi phát binh đánh Đại Ngu, Minh Thành Tổ đã ban sắc viết: “Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót.”
                 Tứ Đại Khí của nước ta bị quân nhà Minh chẻ ra từng mãnh nhỏ đem nấu để lấy đồng đúc khí giới đạn dược. Việt Nam ta tự hào vì có những vị anh hùng, những công trình tượng chuông cỡ lớn vang danh thiên hạ, nhưng thật đáng buồn vì do chiến tranh nên đều bị phá huỷ.