10 NGỌN NÚI CAO NHẤT VIỆT NAM

TỔNG HỢP 10 NGỌN NÚI CAO VÀ HÙNG VỸ NHẤT VIỆT NAM

 

1. FANSIPAN

Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" với độ cao 3143m thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Hà Nội đến Lào Cai bằng tàu hỏa trên quãng đường dài 333 km; rồi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng ô tô qua 38 km; sau đó từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc Mông, Dao làm nghề gùi hàng phục vụ khách leo núi đông nhất.

Mỗi đoàn leo núi có ít nhất hai hướng dẫn viên hoặc người dẫn đường. Ngày thứ hai khi du khách lên đỉnh Phan Xi Păng, một trong hai người sẽ ở lại trại nấu ăn. Ở gần đỉnh núi, du khách có thể hái măng về cho bữa ăn. Việc nấu nướng cũng rất khó khăn, du khách phải đi kiếm củi, làm bếp. Ban đêm thường mưa và nhiệt độ hạ xuống rất thấp.

Thời điểm leo núi thích hợp là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên đường lên Phan Xi Păng đẹp nhất là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa núi bắt đầu nở.

Ảnh chụp Núi Fansipan

2. PUSILUNG:

Pu Si Lung hay Phu Si Lùng là ngọn núi nằm ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc, cao 3083 m. Phần Việt Nam của núi thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Pu Si Lung được coi là ngọn núi nắm trấn giữ biên cương ở phía Tây Bắc xa xôi. Dù có nét khắc nghiệt nhưng lại đẹp tuyệt mỹ, một nét đẹp hoang sơ, hữu tình đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, của ngọn núi miền biên viễn. VÌ thế, ngọn núi này luôn là điểm lý tưởng dành cho tất cả những ai đam mê leo núi.

Ảnh chụp Núi Pusilung

3. PUTALENG:

Núi Pu ta leng nằm ở xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, được người dân tộc Mông gọi với cái tên khác là Pú Tà Lèng.

Với độ cao 3049m so với mực nước biển, sự đa dạng của hệ sinh thái và hùng vĩ của nóc nhà thứ 2 Đông Dương sẽ mang đến cho cả nhà một cái nhìn đặc biệt về ngọn núi vùng Tây Bắc này.

Đến với núi Pu ta leng Lai Châu với những cánh rừng nguyên sinh độc đáo, thảm thực vật bao kín lấy những gốc cây cổ thụ hay vách đá tạo nên một màu xanh đặc trưng.

Đặc biệt, là được tận hưởng tiếng nước suối róc rách chảy trong vắt từ ngọn nguồn của đỉnh núi như là tiếng réo gọi của rừng sâu lâu ngày chưa được ai “ghé thăm” tới, hay là những gốc cây hoa đỗ quyên rừng nở rộ trên nền xanh của thảm thực vật, tô điểm thêm cho nét đẹp độc đáo này.

Ảnh chụp Núi Putaleng

4. BẠCH MỘC LƯƠNG TỬ:

Bạch Mộc Lương Tử là tên được khách du lịch đặt cho đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Ky Quan San ở ranh giới giữa hai huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai và huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu.

Đây là ngọn núi mà tên của nó bị nhầm với tên của một ngọn núi khác, nhưng do đã quá phổ biến nên việc đính chính lại tên của nó rất khó. Vì vậy cái tên Bạch Mộc Lương Tử đã được sử dụng như một tên chính thức của nó cho đến tận thời điểm này.

Tên gọi chính xác của nó là “Ky Quan San” với điểm xuất từ bản Ky Quan San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai. Đỉnh cao này hiện trở thành một địa điểm “hot” không kém so với Fansipan, vì nó là một trong những điểm ngắm mây đẹp nhất trên những ngọn núi cao của miền bắc Việt Nam. Có thể nói “bình minh trên mây cao” đã trở thành thương hiệu của ngọn núi Bạch Mộc này.

Ảnh chụp Núi Bạch Mộc Lương Tử

5. PHÀN LIÊN SAN – KHANG SU VĂN:

Đỉnh cao này thuộc địa phận Phong Thổ, Lai Châu và cũng là một trong những ngọn núi trở thành đề tài được tranh luận nhiều nhất do tên gọi của nó. Tên gọi được phổ biến đầu tiên của nó là Khang Su Văn. Sau đó nó được đính chính lại là Phàn Liên San, và cho đến thời điểm hiện tại thì tên chính thức của nó vẫn chưa được công bố.

Ngọn núi cao thứ năm của Việt Nam với độ cao 3012m. Hành trình chinh phục nằm ở tuyến đường biên giới Việt – Trung và có đi qua cột mốc số 79, cũng là cột mốc cao nhất của Việt Nam (độ cao 2880m).

Tuy nhiên, đỉnh cao này hiện đã được đặt chóp inox với cái tên Khang Su Văn (của một nhóm leo núi) và có lẽ nó sẽ trở thành cái tên chính thức cho đỉnh núi cao này nếu như vẫn chưa có sự đính chính đến từ các chuyên gia trong cộng đồng leo núi.

Ảnh chụp Núi Khang Su Văn

6. TẢ LIÊN SƠN:

Độ cao ghi nhận trên đỉnh Tả Liên là 2996m và trở thành ngọn núi cao thứ 6 của Việt Nam, thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Đỉnh núi có tên gọi khác là Cổ Trâu có lẽ vì từ bản nhìn lên, đỉnh núi cao vời vợi, kiêu hãnh như sống lưng của loài trâu mộng sống trong khu rừng nguyên sinh dưới chân núi nên Tả Liên Sơn.

Khu rừng Tả Liên với thảm thực vật nguyên sinh đa dạng sẽ khiến cả nhà phải ngạc nhiên. Những tán cây cổ thụ xum xuê, thân to lớn mà rêu phong và dương xỉ phủ kín khiến tất cả như biến thành khung cảnh cổ tích, huyền bí. Bao thảm hoa trà rụng trắng lối, lá phong đỏ rực và cả thảm rêu xanh quyến rũ một màu tươi mới. Những thân cây leo bám chằng chịt lên phiến đá trông không khác gì xúc tu của một loài động vật lạ, sẵn sàng vươn mình nuốt trọn kẻ vượt núi tìm rừng.

Từ trên cao cả nhà có thể nhìn thấy khá rõ thành phố Lai Châu nhỏ bé mà xinh đẹp giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ.

Ảnh chụp Núi Tả Liên Sơn

7. TÀ CHÌ NHÙ – PÚ LUÔNG:

Đỉnh Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ bảy của Việt Nam với độ cao 2979m, nằm trong khu vực bản Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái.

Ngọn núi này là một trong những địa điểm săn mây lý tưởng, hay còn được gọi với cái tên “Thiên đường mây nơi hạ giới”. Tuy nhiên, vào thời điểm chưa phải mùa săn mây thì ngọn núi này còn được mệnh danh “Vương quốc nắng và gió” bởi địa hình chủ yếu là đồi trọc nên hầu như ko có điểm tránh nắng.

Cả nhà cũng có thể bắt gặp rất nhiều loại gia súc như ngựa hoặc dê được đồng bào dân tộc nuôi rất nhiều ở đây. Ngọn núi này có tên chính xác là Phú Lương (Theo như trên bản đồ quân sự Mỹ 1975 là PHU LUONG), nhưng cái tên Tà Chì Nhù đã quá phổ biến tới cộng đồng dân leo núi nên giờ nó được sử dụng như một tên gọi chính thức cho đỉnh núi này.

Ảnh chụp Núi Tà Chì Nhù

8. PỜ MA LUNG:

Ngọn núi cao thứ tám của Việt Nam này là một trong những ngọn núi mới được khám phá cách đây chưa lâu.

 Có độ cao 2967m và là một trong những đỉnh núi có tuyến đường chinh phục nằm ở đường biên giới Việt – Trung, thuộc Phong Thổ, Lai Châu. Tên gọi của ngọn núi cũng có rất nhiều thú vị khi chính nó làm nên sự nhầm lẫn của Ky Quan San hay còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử.

Ngoài ra nó còn được gọi bằng một cái tên khác là Bạch Long. Cái tên này theo lời kể lại của người dân bản ở đây là do gắn liền với truyền thuyết về một con Rồng đã lặn xuống một hồ nước sâu tại đây và biến mất. Ngày nay thì hồ nước sâu này đã bị lấp đầy do một khối núi sạt xuống và tạo nên một đoạn thác rất hùng vĩ.

Và một cái tên khác đặc biệt hơn nữa, đoàn chinh phục đầu tiên của ngọn núi này đã đặt cho nó cái tên Bức Tường để tưởng nhớ đến ca sĩ Trần Lập (google search) của ban nhạc Bức Tường này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Pờ Ma Lung được sử dụng là tên gọi chính thức của đỉnh cao số 8 Việt Nam này.

Ảnh chụp Núi Pờ Ma Lung

9. NHÌU CỒ SAN:

Là ngọn núi cao thứ chín của Việt Nam với độ cao 2965m, thuộc bản Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai.

Đỉnh cao này là một trong những địa điểm còn hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh và thảm thực vật phong phú mang tới nhiều cảnh quan khác nhau. Tầm nhìn rộng với núi non hùng vĩ và rất xứng đáng là một trong những ngọn núi cần chinh phục.

Đặc biệt, Nhìu Cồ San cũng là một địa danh rất nổi tiếng bởi đây là nơi khởi đầu của con đường đá cổ xuyên rừng phong dài tới 80km và điểm kết thúc là ở Sàng Ma Pho, Phong Thổ, Lai Châu. Con đường đá cổ này mang tên Pavi, được người Pháp cho xây dựng do thời điểm đó (1927) tuyến đường đèo Ô Quy Hồ vẫn chưa có trên bản đồ.

Quá trình xây dựng được thực hiện bởi 5 vạn lượt dân phu người Thái – Mèo của vùng tự trị Tây Bắc. Một hành trình vô cùng gian khổ trong suốt 5 năm với mồ hôi và xương máu được đổ xuống núi rừng Hoàng Liên để hoàn thành cho được con đường này.

Ảnh chụp Núi Nhìu Cồ San

10. CHUNG NHÍA VŨ:

Chốt lại trong list 10 đỉnh cao nhất Việt Nam là ngọn núi với cái tên nghe rất lạ đó là Chung Nhía Vũ, thuộc địa phận xã Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu và nằm trên đường biên giới Việt – Trung.

Hành trình chinh phục đi qua các cột mốc 83 – 84 – 85. Ngọn núi này có độ cao 2918m và cũng là một ngọn núi mới được khám phá gần đây. Với địa hình có suối, rừng thảo quả và rừng trúc, hành trình chinh phục Chung Nhía Vũ sẽ chỉ mất khoảng 2 ngày 1 đêm là vừa sức và không phải một hành trình vất vả.

Tuy nhiên, do nằm trên tuyến đường biên giới nên bạn sẽ cần được sự đồng ý của đồn biên phòng Nậm Xe nếu muốn chinh phục đỉnh cao này.

Ảnh chụp Núi Chung Nhía Vũ


NGUỒN: viettrekking.vn