TOP 10 NGỌN NÚI CAO NHẤT MIỀN NAM

Những ngọn núi cao nhất miền Nam

NHỮNG NGỌN NÚI CAO NHẤT MIỀN NAM

1. NÚI BÀ ĐEN (986m):

     Núi Bà Đen nằm ở phía đông bắc thành phố Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thạnh Tân và cách trung tâm thành phố 11 km. Núi Bà Đen là một ngọn núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, được biết đến bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại đặc sắc.

     Núi Bà Đen có độ cao 986m, cao nhất Đông Nam Bộ. Hệ thống chùa ở núi bà có: chùa Trung, chùa Bà, chùa Hang. Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ cùng với thảm thực vật phong phú, xứng danh “Đệ nhất thiên sơn”, là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).

     Về truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương cả nhà có thể xem lại ở bài viết ở link sau: https://www.facebook.com/489070847920664/posts/1644475319046872/

Ảnh chụp Núi Bà Đen

2. NÚI CHỨA CHAN (837m):

      Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Núi Chứa Chan (Đệ nhị thiên sơn) là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ, sau núi Bà Đen (Đệ nhất thiên sơn). Với độ cao 837m so với mực nước biển.

     Núi Chứa Chan còn là nơi bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như lễ Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn, giỗ tổ Khai sơn thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Đặc biệt đây là nơi sinh sống lâu đời của dân tộc bản địa Chơro, còn gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, là thế mạnh cho việc phát triển du lịch thám hiểm thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa lịch sử…Ngoài ra, vùng núi này cũng chứa đựng nhiều giá trị sinh học đa dạng với nhiều loài đặc hữu của vùng Đông Nam bộ trong đó có nhiều loại thú quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Ảnh chụp Núi Chứa Chan

3. NÚI BÀ RÁ (736m):

       Núi Bà Rá nằm trên địa phận phường Sơn Giang thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Giữa một vùng đồi nhấp nhô lên một ngọn núi cao, cây cối xanh tươi, rậm rạp. Núi cao 736m so với mực nước biển, độ cao thực tế tính từ chân núi là 563m, được xem là ngọn núi cao thứ ba ở Nam bộ.

     Đứng trên lưng chừng núi có thể nhìn thấy cả một khu vực rộng lớn, bao gồm Phường Thác Mơ xinh đẹp (trước đây là tỉnh lỵ của tỉnh Phước Long), hồ Thác Mơ mà trong mùa mưa rộng tới 12.000 ha, cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Thác Mơ.

Ảnh chụp Núi Bà Rá

4. NÚI CẤM (705m):

        Núi Cấm (Cấm Sơn) còn được gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cấm sơn, Thiên Cẩm Sơn; tên Khmer: “Pnom ta piel” hay “Pnom po piêl”; là một ngọn núi tại địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, đỉnh Bồ Hong trên núi Cấm là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn.

       Tương truyền ngày xưa núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn. Lợi dụng sự hoang vu tịch mịch nhiều nhà sư đã tìm đến ẩn tu, các phường lục lâm thảo khấu cũng như những đảng cướp vùng biên thùy phức tạp nầy cũng lấy núi Cấm làm căn cứ.

      Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm. Một truyền thuyết mang tính lịch sử là Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Hay lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non nên mới có tên là núi Cấm… Từ một ngọn núi hoang vu “cấm kỵ”, giờ núi Cấm đã ra dáng là khu du lịch Lâm Viên.

Ảnh chụp Núi Cấm

5. NÚI THỊ VẢI (700m):

      Núi Thị Vải thuộc thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành, thành phố Vũng Tàu). Núi Thị Vải cao khoảng 700m so với mực nước biển.

     Về cái tên “Thị Vải” rằng tại sao lại có tên như vậy. Chỉ đơn giản rằng xưa kia có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng. Nhưng không lâu sau, người chồng lại chết, bà thề không tái giá. Kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu bà. Bà bèn lập cái am trên đỉnh núi rồi cạo đầu tự làm thầy Cả, cùng đồng bộc giữ lòng tu trì, sau được thành chính quả, nên người ta lấy tên bà đặt làm tên núi”.

Ảnh chụp Núi Thị Vải

6. NÚI CÔ TÔ (614m):

         Núi Cô Tô (gọi tắt: núi Tô), tên chữ: Phụng Hoàng Sơn, tên Khmer: Phnom-Ktô; là một ngọn núi trong Thất Sơn, thuộc thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

       Núi Cô Tô cao 614m, dài 5.800 m, rộng 3.700 m. Vì ở một vùng bán sơn địa và vì do cấu tạo địa chất đặc biệt, nên nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong lớn, rất kiên cố và vững chắc. Có nhiều truyền thuyết gắn với tên của ngọn núi này, tiêu biểu như là truyền thuyết kể rằng từ thuở xa xưa, khi trời đất còn tối tăm, dãy Thất Sơn còn đầy vẻ hoang sơ... các tiên ông từ núi Cấm, núi Giày đã cùng nhau khiêng từng phiến đá xếp chồng lên nhau, xếp mãi cho đến lúc bình minh thì thành hình trái núi này. Một số người lại nói rằng, do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên người ta gọi là núi Tô.

       Gắn liền với núi Cô Tô là đồi Tức Dụp, đây là ngọn đồi nhỏ nằm cạnh chân núi Cô Tô. Chuyện kể rằng, ngày xưa, thuở sơ khai của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô, dạo chơi, tắm giặt và đùa nghịch. Một hôm, các nàng chơi trò đứng trên đỉnh Cô Tô ném đá xuống chân núi. Đá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi con. Dòng suối tắm đổ xuống chảy luồn lách qua ngọn đồi đá tiên ấy.

      Từ đó, bên chân núi Cô Tô của vùng Thất Sơn hùng vĩ có suối và đồi tạo nét phong phú, thơ mộng. Một ngày nọ, những người đi khai hoang mở đất đến đây, gặp mùa nắng hạn, đêm nằm họ không ngủ được, khát cháy ruột gan. Bỗng giữa đêm khuya, người ta nghe tiếng nước róc rách, phát hiện ra giữa quả đồi khô hạn có dòng suối mát chảy qua. Từ đó ngọn đồi này có tên gọi Tức Dụp (nước đêm) và ngọn đồi trở thành nơi linh thiêng.

      Trong thời chiến tranh ác liệt nơi đây được coi là một trong những “tử địa” khủng khiếp nhất của giặc ngoại xâm. Ngọn đồi tuy nhỏ nhưng được thiên nhiên cấu trúc rất độc đáo, bao gồm hệ thống nhiều hang sâu, động lớn, ngõ ngách chằng chịt như mạng nhện bởi các tảng đá chồng chất lên nhau. Vì thế, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồi Tức Dụp trở thành căn cứ quân sự, có thể che giấu và làm nơi trú ẩn của hàng trăm chiến sĩ.

Ảnh chụp Núi Cô Tô

7. NÚI CHÚA (603m):

        Núi Chúa được coi là nóc nhà của Phú Quốc cũng thuộc dãy Hàm Ninh, ngọn núi cao nhất này nằm ở độ cao 603m, tính đến thời điểm hiện tại thì đã có đường mòn dẫn du khách đến với ngọn núi Chúa. Đứng trên đỉnh Núi Chúa, cả nhà có thể cảm nhận được sự sảng khoái, cộng với niềm vui chiến thắng. Phóng tầm mắt ra xa là không gian mênh mông rộng lớn mà không kém phần trữ tình, thơ mộng của khung cảnh thiên nhiên.

     Từ trên đỉnh núi nhìn xuống Vườn quốc gia Phú Quốc giống như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Pha lẫn trong màu xanh của núi rừng là màu ngọc lam của biển cả mênh mông cùng với sự tô điểm của hoa sim hoa mua và màu đỏ rực rỡ của hoa hải đường.

Ảnh chụp Núi Chúa

8. NÚI DÀI (580m):

      Núi Dài có tên chữ là Ngọa Long Sơn (núi rồng nằm) là núi dài nhất trong Bảy Núi nằm trên địa bàn của 3 xã là Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì và một thị trấn là Ba Chúc; nay thuộc tỉnh An Giang.

     Đây là một trái núi thuộc dạng núi dốc với độ cao 580m, được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt nên núi có độ cao và có độ dốc lớn trên 25 độ và phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau.

     Xưa kia trên núi Dài từng đầy rẫy thú dữ. Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu đưa quân xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông nhưng lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh. Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà. Đường lên núi Dài có thể nói là gian truân nhất trong số các ngọn núi vùng Thất Sơn.

Ảnh chụp Núi Dài

9. NÚI THÁNH GIÁ (577m):

      Núi Thánh Giá là một ngọn núi cao nhất Côn Đảo, núi có độ cao 577m, với những truyền thuyết nổi tiếng về tình yêu. Tương truyền rằng những cặp đôi nào đứng trên đỉnh núi và nắm tay nhau nhìn mặt trời lặn sẽ được bên nhau trọn đời.

     Người dân địa phương nói rằng, lên được đỉnh núi Thánh Giá là có thể ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo này trong tầm mắt. Nhưng thực tế lại rất ít người đặt chân được lên đó bởi dốc đứng ngút ngàn, trơn trượt, hiểm nguy, quanh năm sương giăng mờ ảo. Vậy mà những người lính radar Trạm 590, thuộc Trung đoàn ra đa 251 (Vùng 2 Hải quân) vẫn hằng ngày lên, xuống làm nhiệm vụ trên “đỉnh mờ sương”, dõi theo “mắt thần” bảo vệ biển trời Tổ quốc.

     Gọi là đỉnh mờ sương là bởi ngọn núi cao vút này mỗi năm có tới 9 tháng sương mù che phủ nên người dân ở đây gần như đã quên cái tên núi Thánh Giá ban đầu. Người cao tuổi ở địa phương cũng không còn nhớ núi Thánh Giá có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu, lâu lắm rồi ngọn núi xa xa, cao ngất kia có hình thù trông giống một cây thánh giá. Nhưng do thời gian và sự tàn phá của con người, của bom đạn chiến tranh nên hình thù ấy không còn như xưa nữa. Bởi vậy, cái tên núi Thánh Giá cũng dần bị mai một, chỉ còn… trên bản đồ.

Ảnh chụp Núi Thánh Giá

10. NÚI MINH ĐẠM (355m):

         Núi Minh Đạm là một trong những ngọn núi nổi tiếng ở Phước Hải, Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Núi có độ cao khoảng 355m, nơi đây còn được biết đến là khu căn cứ kháng chiến nổi tiếng.

* Về tên gọi:

       Trước đây, núi Minh Đạm còn được gọi là núi Thùy Vân. Theo tương truyền, vì người dân nơi đây khi đứng nhìn ở phía xa về núi thường trông thấy những đám mây trắng bay bồng bềnh. Sau đó trên núi xây dựng 2 ngôi chùa và từ đó tên của ngọn núi này cũng được đổi. Để dễ nhớ, người dân lúc bấy giờ đã gọi tên núi là núi Châu Long – Châu Viên giống như tên các chùa nằm ở đây.

       Núi Minh Đạm là ngọn núi rậm rạp và hoang sơ có địa hình hiểm trở. Trong kháng chiến, nơi đây được chọn là căn cứ giao liên của quân đội ta. Năm 1948, hai đồng chí của ta là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã hy sinh tại đây vì bị phục kích. Để tưởng nhớ sự hy sinh của 2 đồng chí, nơi đây được gọi là khu căn cứ Minh Đạm và từ đó ngọn núi này cũng được gọi là núi Minh Đạm.

Ảnh chụp Núi Minh Đạm


Nguồn: Internet

Có thể bạn quan tâm: bồn nhựa 500l