CUA ĐÁ CÙ LAO CHÀM

CUA ĐÁ - ĐẶC SẢN VÙNG CÙ LAO CHÀM

CUA ĐÁ CÙ LAO CHÀM

Cua đá (tên khoa học Gecarcoidea lalandii) là một loài cua đất lớn thuộc chi Gecarcoidea. Loài cua này có vỏ màu tím sậm, chân dài và càng ngắn. Nó là loài động vật ăn đêm, ban ngày trú ẩn trong các hang đào. Thức ăn chủ yếu của cua đá là động vật. So với loài cua đỏ đảo Christmas Gecarcoidea natalis, cua đá có vùng phân bố rất rộng trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ quần đảo Andaman trở về phía Đông. Ở Việt Nam, cua đá có sự hiện diện tại vùng Cù Lao Chàm, cụ thể ở các hòn Lao, hòn Giai, hòn Ông, hòn Là và hòn Mồ; trong đó, hòn Lao là nơi cua đá phân bố nhiều nhất. Con trưởng thành chủ yếu sống trong rừng rậm nhưng đôi khi có thể xuất hiện ở các sinh cảnh mở hơn. Đến mùa sinh sản (từ tháng 7 đến tháng 9), con cái mang trứng di cư ra vùng duyên hải và đẻ trứng ở vùng nước triều. Cua đá thường lột xác trong khoảng tháng 10 - 12.

Ảnh chụp Cua Đá Cù Lao Chàm

Cua đá Cù Lao Chàm từ lâu được biết đến là loài sinh vật biển có giá trị dinh dưỡng cao bổ sung canxi và các vitamin tốt nhất cho sức khỏe vì chúng sống trong rừng, ăn lá cây thuốc. Do đó, thịt cua có vị thuốc nam có tác dụng nhuận tràng, mát, thanh nhiệt. Thịt cua đá chắc và béo ngậy, đầy gạch, có vị thịt ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Từ cái nước luộc cua đã đượm vị ngọt nhẹ, dịu thanh, thịt cua dai hơn hẳn cua biển, cua đồng, không chút mùi tanh..

Từ xa xưa, theo lời kể của các ngư cụ trên đảo Cù Lao Chàm thì Cua Đá là một loài động vật phổ biến, ngư dân thường đi soi và bắt về ăn như các loài hải sản khác trên đảo. Cua đá có thân hình chỉ to bằng nắm tay, có trọng lượng khá lớn từ 300 – 400g/con, cua nhỏ khoảng 100g/con, có thịt béo ngậy, càng cua rất to, đầy gạch đến nỗi người ta còn nói đùa rằng nếu ăn cua đá Cù Lao Chàm không quen có thể bị “say gạch”, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới của chúng có màu vàng ươm. Dân bắt cua đá chuyên nghiệp ở Cù Lao Chàm cho biết loài cua này tập trung đông nhất ở hòn Lao. Người dân ở đây còn gọi loại cua sống trên hang đá này là “cua ăn chay”, vì chúng chỉ ăn cỏ, lá và chỉ ra khỏi hang khi đêm xuống.

Bắt đầu cuộc hành trình tìm và bắt Cua đá Cù Lao Chàm, chúng thường xuất hiện vào ban đêm. Ban ngày cua đá hầu như ít hoạt động, vào ban đêm, chúng di chuyển, tìm kiếm thức ăn và làm tổ sinh sản gần mặt nước. Nên các ngư dân thường hay săn bắt cua đá từ 22:00 tối đến 03:00 sáng ngày hôm sau. Thời gian sinh sản và phát triển của Cua đá Cù Lao Chàm từ tháng 07 đến đầu tháng 09 hàng năm. Trong thời điểm này ban quản lý Cù Lao Chàm nghiêm cấm đánh bắt và thu mua cua đá của toàn đảo vì trước đây khi dân số đảo còn thưa, lượng khách du lịch còn ít, cua đá Cù Lao Chàm có ở khắp mọi nơi, lúc đó cũng không có ai buôn bán cả, nếu có thì giá cũng rất rẻ.

Nhưng từ khi du lịch phát triển, du khách tới tham quan, tắm biển trên những bãi cát trắng mịn và thưởng thức đồ hải sản tươi sống và đặc biệt là khi có những nghiên cứu chứng minh cua đá cù lao chàm có nhiều lợi ích cho sức khỏe, cua đá trở thành món ăn ưa chuộng trên bàn ăn. Vì vậy, ban quản lý Cù Lao Chàm mới nghiêm cấm đánh bắt và thu mua cua đá của toàn đảo từ tháng 07 cho đến tháng 09 hằng năm, mục đích chủ yếu là để chúng sinh sản trong khoảng thời gian đó.

Cua đá khi được bắt mang về sẽ được người dân chế biến thành nhiều món khác nhau như hấp, nướng, rang muối, nấu bún riêu… Chất lượng thịt và gạch của cua đã đủ để làm nên độ ngon, không cần phải chế biến nhiều. Cua đá có màu tím; khi chín thì chuyển sang màu gạch tuyệt đẹp và thơm lừng. Người ta sẽ lựa những con cua cỡ vừa, đem về rửa sạch thân ngoài, lấy gạch rồi giã cho cua giập sơ. Cua đá rất hợp với các loại rau rừng như rau sắng, rau dớn, rau lủi, chùm bao hoặc rau mồng tơi, cải cúc… Khi cua chín, vị thơm của thịt cua kết hợp với vị ngọt của rau rừng sẽ làm ấm lòng người thưởng thức.

Ảnh chụp Cua Đá khi chín sẽ có màu tuyệt đẹp

Do những quy định khá khắt khe trong việc khai thác và mua bán để bảo tồn loài cua đá quý hiếm này nên hiện giá cua đá Cù Lao Chàm ở mức:

  • Giá Cua Đá Cù Lao Chàm với giá bán buôn: 800.000 – 1.000.000vnđ/kg.
  • Giá Cua Đá Cù Lao Chàm cho khách lẻ dùng tại quán ăn hoặc nhà hàng : 1.400.000 – 1.500.000 vnđ/kg. (Giá có thể thay đổi theo mùa)

Một điểm thú vị ở Cua Đá Cù Lao Chàm đó là nếu du khách đến đây từ tháng 4 đến tháng 8, ngoài các loại hải sản bán trong thau, sẽ thấy có vài cái lồng sắt nhốt cua, be bé, màu tim tím, trên lưng có cái nhãn thì đó chính là tem chống hàng giả.

Cái nhãn là chứng thực hợp pháp cho việc buôn bán cua đá ở Cù Lao Chàm. Bán cua không có nhãn, nếu phát hiện sẽ bị xử phạt hình chính. Cái nhãn ra đời kèm các quy định đánh bắt là việc làm rất đáng hoan nghênh. Cái nhãn không chỉ với mục đích quy định về kích thước, số lượng cua đá được phép đánh bắt, mà còn đảm bảo cho sự phát triển của loại cua này. Bên cạnh mục tiêu cao hơn là giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi tự nhiên ở Cù Lao Chàm.

Vì vậy việc hiểu thêm một câu chuyện rất hay về việc dán nhãn cho cua đá là một trong những việc rất nên làm và nhân rộng để duy trì nguồn lợi tự nhiên. Nên nếu du khách có dịp đến Cù Lao Chàm và có ý định ăn cua đá, nên chọn cua có dán nhãn để chung tay bảo vệ môi trường và nâng cao phát triển du lịch bền vững.